Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) Bù đắp mất mát, thiệt thòi cho thương binh, gia đình liệt sĩ vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là tình cảm
Ngày cập nhật 25/07/2022

(Chinhphu.vn) - Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", Đảng, Nhà nước ta đã sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Bù đắp mất mát, thiệt thòi cho thương binh, gia đình liệt sĩ vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là tình cảm - Ảnh 1.

Lễ quy tập 10 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn 1979-1989 tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang tổ chức sáng 10/7 tại thôn Nam Giang, xã Thanh Thủy - Ảnh: VGP/Đình Nam

Bác Hồ đã nói: "Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ".

Thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", kể từ khi thành lập nước, Đảng, Nhà nước ta đã sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Cuối năm 1947, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 613, thành lập hệ thống cơ quan chuyên trách của Nhà nước từ cấp Trung ương xuống đến khu, tỉnh.

Trong quân đội có Cục Chính sách trực thuộc Tổng cục Chính trị. Ngành quân y xây dựng hệ thống các bệnh viện, trạm điều trị, điều dưỡng... Các tổ chức chuyên trách trên không ngừng được mở rộng, phát triển, nhất là trong các cuộc kháng chiến.

Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo và phải chăm lo xóa đói, giảm nghèo nhưng hằng năm, Nhà nước vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách, bảo đảm cuộc sống cho thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân chất độc da cam… Thông qua Pháp lệnh người có công, Đảng, Nhà nước khẳng định: Bảo đảm cuộc sống gia đình chính sách bằng hoặc hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; được cải thiện theo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã được luật hóa, xã hội hóa; được sự đóng góp lớn của nhân dân.

Điều đó khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, động viên toàn dân, toàn quân quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Trong thời kỳ hòa bình, cùng với việc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước, quân đội đã tích cực khắc phục hậu quả nặng nề sau chiến tranh, giải quyết những tồn đọng cho các đối tượng chính sách, góp phần làm vơi những đau thương mất mát của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; góp phần ổn định chính trị - xã hội ở địa phương.

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Công tác đặc biệt, chỉ đạo việc cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515)...

Tháng 1/2019, Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (địa chỉ trên internet: thongtinlietsi.gov.vn) nhằm cung cấp, kết nối thông tin về liệt sĩ để gia đình, đồng đội có thể tìm kiếm thông tin về người thân của mình đã hy sinh.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Chủ tịch nước đều có quyết định tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong cả nước.

Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, lãnh đạo đơn vị trong toàn quân, phối hợp với các ngành, các địa phương, xây dựng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" bằng nhiều sự việc: Xây nhà mới, sửa chữa nhà cũ; giúp đỡ tiền vốn, công cụ sản xuất cho gia đình chính sách và tạo việc làm cho nhiều nghìn con thương binh, con liệt sĩ… Các bệnh viện quân đội, khám chữa bệnh miễn phí, giảm viện phí cho thương binh, bệnh binh. Những việc làm tình nghĩa trên, thể hiện đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa", truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Những kết quả đạt được trong giải quyết chính sách với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công… của Đảng và Nhà nước là rất lớn; nhưng những vấn đề tồn tại còn nhiều và phải tiếp tục làm, thấu lý đạt tình. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là tình cảm của xã hội. Vết thương chiến tranh có thể hàn gắn trong thời gian ngắn, nhưng giải quyết hậu quả sau chiến tranh còn phải lâu dài.

Đến nay, 100% xã, phường cả nước đã tiến hành điều tra, khảo sát, phát hiện và tổng hợp các trường hợp mất tin, mất tích, bị thương trong chiến tranh chưa được xác nhận. Có trường hợp đã xảy ra hơn 50 năm; có trường hợp phải điều tra, xác minh qua nhiều năm; đi lại hàng nghìn cây số, họp với các cơ quan chức năng mới giải quyết được…

Thời gian qua, các đội tìm kiếm, quy tập đã quy tập được hàng chục nghìn hài cốt liệt sĩ hy sinh và đưa vào nghĩa trang.

Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng đến nay, những tồn đọng trong giải quyết hậu quả chiến tranh vẫn còn lớn và quá trình giải quyết, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời… Điều đó đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Kinh nghiệm chỉ ra rằng công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh, cùng với đó phát huy sức mạnh toàn dân, các đoàn thể quần chúng, nhất là Hội Cựu chiến binh, để giải quyết những tồn đọng chính sách sau chiến tranh…

Nhằm bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công... quân dân ta tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người có công trong tình hình mới.

Theo Chi Phan
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.159.217
Truy cập hiện tại 1.385