Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Cảm giác không tiền mặt
Ngày cập nhật 03/06/2020

TTH - Tôi thường chọn cách chuyển khoản – thanh toán trực tuyến, thay vì ship COD (thanh toán khi nhận hàng hay còn gọi là giao hàng thu tiền hộ). Điều này bắt nguồn từ chỗ không phải lúc nào cũng có mặt lúc được giao hàng. Hoặc không phải lúc nào cũng có người để nhờ chuyển/trả hộ. Với tôi, đó là sự phiền hà, áy náy khi chạm đến tiền nong.

Có bạn đã hỏi, sao không chọn ship COD cho yên tâm? Có bạn còn chia sẻ những rủi ro đã có trong quá trình mua bán trên nền tảng internet. Chẳng hạn như hàng không đến tay, hoặc đến tay mà không như đã chọn mà khiếu nại, phản hồi thì mất dạng, hoặc “lần khân”… Ơn trời, tôi chưa đụng phải những điều này.

Có lẽ vì đã để ra một chút thời gian tìm hiểu nơi có món hàng đó, đọc và phân tích một chút các review để tìm sự tin cậy nhưng có thể, là tôi đã gặp may khi chọn đúng những nơi có uy tín. Thậm chí, có nơi sau khi đã nhận hàng còn nhận được cuộc gọi hỏi có hài lòng hay không về món hàng đó, cách giao hàng và sẵn sàng đổi trả nếu cảm thấy không vừa ý.

Điều mà tôi thích, vẫn là một cảm giác không tiền mặt. Nó thảnh thơi hơn rất nhiều. Tất nhiên, điều này sẽ chỉ ổn, nếu biết kiểm soát được bản thân. Điều này cũng tùy thuộc vào mỗi người. Chẳng hạn biết nhà mình còn thiếu cái gì; lên một bảng liệt kê những món cần tìm và tham khảo giá từ những trang khác nhau chứ không thể ngẫu hứng được.

Khi chọn được những nơi tin cậy, có cách chọn lựa hợp lý, việc mua bán, thanh toán trên nền tảng này còn tiết kiệm chúng ta rất nhiều thứ như thời gian, chi phí cơ hội khi tham gia lưu thông; có những lựa chọn linh hoạt đồng thời tích điểm/nhận giảm giá qua ví điện tử, tài khoản ngân hàng nội địa hay các loại thẻ quốc tế. Việc giản lược thời gian thực, nhất là những khi bận bịu cũng là điểm cộng khác cho hình thức này. Những ngày COVID-19 vừa qua, bằng hình thức này, gia đình tôi vẫn có đủ mọi nhu yếu phẩm, rau xanh cần thiết mà vẫn đảm bảo yếu cầu giãn cách xã hội.

Dù đã chạy trong một khoảng thời gian khá lâu, song có vẻ như sau COVID-19, việc mua bán và thanh toán trực tuyến được quan tâm sử dụng nhiều hơn. Đây có lẽ cũng là một cơ hội mở trong phương diện này.

Đã có 44,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng mạnh so với con số 30,3 triệu người vào năm 2015, với giá trị mua sắm trực tuyến là 225 USD/người/năm là con số mà ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) - khẳng định trên tuoitre.vn ngày 31/5. Một mục tiêu xa hơn là doanh số 35 tỷ USD và giá trị mua sắm online đạt 600 USD/người mà thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt vào năm 2025.

Tại Thừa Thiên Huế, một sàn giao dịch thương mại điện tử đã ra mắt vào đầu tháng 8/2018. Bên cạnh đó là những cổng, các phương thức giao dịch điện tử khác của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để kết nối các nhu cầu cả trong cộng đồng và doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã hợp tác với nền tảng thương mại điện tử Fayfay để cùng quảng bá hình ảnh, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ du lịch của Huế đến với các thị trường chiến lược tiềm năng như Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Đông Nam Á... Điều này cũng cho thấy, Huế còn rất nhiều cánh cửa mở từ nền tảng này để phát triển và ứng dụng thương mại điện tử cho các loại hình dịch vụ trên nền tảng số.

Nguyễn An Lê
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.200.612
Truy cập hiện tại 248