Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Điểm tựa cho thế hệ mai sau
Ngày cập nhật 07/09/2020

Đảng viên Trần Thị Phát cùng lãnh đạo quận 10 tại buổi lễ trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng đợt 2-9-2020.

 

Ngày được trao Huy hiệu 75 năm tuổi Ðảng, ông Hoàng Dũng (Nguyễn Ðình Sơn), ngụ phường 2, quận Tân Bình cảm thấy mình như trẻ lại. Nhớ rất rõ những ngày đầu giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông Hoàng Dũng kể, ông sinh năm 1927 tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông chỉ mới 18 tuổi, chưa hiểu nhiều về cách mạng, nhưng trong lòng rất căm thù giặc Pháp vì chúng chèn ép, ức hiếp dân mình. Ông và nhóm bạn đã thành lập đội đánh cảnh sát Pháp. Ðến ngày Nhật lật đổ Pháp, ông đã gặp một đồng chí và được giáo dục về lý tưởng cách mạng. Khi đó, ông mới nhận thức rằng mình phải đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau đó, ông quyết định đi theo Việt Minh và tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, ông Hoàng Dũng luôn kiên định với con đường đã chọn, một lòng đi theo Ðảng. Ông tự rèn luyện bản thân mỗi ngày và dạy con cháu sống có lý tưởng, có mục đích tốt đẹp. Những câu chuyện lịch sử suốt 75 năm qua luôn được ông nhắc đi nhắc lại với con cháu nhằm truyền cho thế hệ sau ngọn lửa truyền thống cách mạng.

Năm nay 88 tuổi cũng là năm ông Lê Quang Hưng (phường 5, quận 10) tròn 70 năm tuổi Ðảng. Ngày nhận Huy hiệu cao quý, ông Hưng xúc động cho biết, ông không nghĩ mình có được ngày này vì sức khỏe đã suy giảm nhiều sau gần 20 năm bị giam cầm trong nhà tù của kẻ thù.

Mới 15 tuổi, ông Hưng đã thoát ly gia đình tham gia đội dân quân tự vệ ở huyện Long Phú, Sóc Trăng quê hương ông. Từ đó, ông được giác ngộ thêm và quyết một lòng đi theo Ðảng. Năm 1956, ông bị địch bắt, treo án tử hình và đày ra Côn Ðảo. Những đòn tra tấn dã man của quân thù vẫn không làm lung lay ý chí sắt đá của người cộng sản. Ðến năm 1974, ông được trao trả tại quận Lộc Ninh, tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước). Ông làm việc tại Lộc Ninh cho đến ngày nghỉ hưu rồi về sống tại khu phố 3, phường 5, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Dù không còn khỏe, nhưng là một đảng viên, ông Hưng vẫn hăng hái tham gia các phong trào tại địa phương, cùng đảng viên, người dân tham gia xây dựng khu phố. Khi dịch Covid-19 xảy ra, ông tạm dừng thói quen đi bộ mỗi sáng của mình, thực hiện nghiêm túc những chỉ định của ngành y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người chung quanh. Khi được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng, ông Lê Quang Hưng đã trao tặng hết số tiền mà mình nhận được là 15 triệu đồng cho Mặt trận Tổ quốc quận 10 để góp vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19. "Tôi nghĩ mình cần làm một điều gì đó để chung tay với địa phương trong công tác phòng, chống dịch cho nên quyết định trao món quà ấy cho Mặt trận. Có thế, tôi cảm thấy vui và nhẹ lòng hơn rất nhiều", ông Lê Quang Hưng chia sẻ.

Trong ngày nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Ðảng, bà Trần Thị Phát, 98 tuổi, ngụ phường 14, quận 10 luôn giữ bên mình một cuốn sổ đã phai mầu. Trong đó là những bài thơ do bà sáng tác từ mấy chục năm nay. Ðó là những trang nhật ký bằng thơ ghi lại cảm xúc của bà trước những dấu ấn đặc biệt của đất nước gần 100 năm qua.

Trong bài thơ Cờ đỏ sao vàng được bà viết vào dịp cả nước kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám tái hiện lại không khí sôi nổi của những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa bằng hình ảnh giản dị, thân quen: "Thuở còn nhỏ trong buồng kín, bên mẹ/ Cùng khâu lá cờ đỏ, có sao vàng/ Con thì thầm cờ nước nào, hở mẹ?/ Cờ Việt Nam tương lai đó con à". Khi Cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra, nỗi buồn vắng mẹ của bà dường như vơi đi khi bà hòa vào niềm vui chung của cả nước:"Ngày khởi nghĩa chúng con khâu ngàn lá/ Không có mẹ nhưng có cả rừng người/ Phất cao cờ cướp chính quyền ở huyện/ Cùng hát bài Diệt phát xít, tiến lên/ Lời mẹ nay đã thành sự thật/ Cờ đỏ sao vàng bay khắp hành tinh/ Hơn bảy mươi năm con không còn mẹ/ Nhìn lá cờ, con nhớ mẹ, mẹ ơi".

Chính vì mang trong mình tâm hồn thơ cho nên dù tuổi cao, bà Trần Thị Phát vẫn luôn sống lạc quan, yêu đời, dạy dỗ con cháu những điều hay, lẽ phải bằng những vần thơ của mình. Bà là người thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Ông bà cháu" ở khu phố nơi mình sinh sống. Các cháu đến CLB được nghe bà đọc thơ, được tham gia những trò chơi, thực chất là những bài học làm người được bà sáng tạo, lồng ghép một cách khéo léo. Cứ thế, nhiều trẻ đã lớn lên và trưởng thành từ chiếc nôi ấy…

Với bà Trần Thị Phát hay nhiều đảng viên cao tuổi khác, theo Ðảng là để phục vụ nhân dân tốt hơn, không nghĩ cho riêng mình. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng tình yêu ấy, lý tưởng ấy vẫn luôn cháy mãi trong các cụ, luôn là điểm tựa tinh thần quý báu cho thế hệ tương lai.

Tiếp xúc, trò chuyện với những cụ ông, cụ bà đáng kính này, chúng tôi hiểu thêm: Khi trái tim còn đập thì các cụ vẫn còn luôn trung thành với lý tưởng cách mạng; luôn là một đảng viên gương mẫu, sống đúng với lời thề của mình trước cờ Ðảng năm xưa.

Bài và ảnh: Bảo Linh

 

Theo Báo Nhân dân điện tử
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.192.134
Truy cập hiện tại 348