Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Lợi ích kép
Ngày cập nhật 04/04/2023

TTH - Phong trào sản xuất sạch đang được nhân rộng trong hoạt động sản xuất ở nhiều vùng nông thôn hiện nay.

Phong trào sản xuất sạch đang được nhân rộng trong hoạt động sản xuất ở nhiều vùng nông thôn hiện nay. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cũng như nâng cao giá trị nông sản.

Sản xuất sạch, xây dựng kinh tế tuần hoàn được Chính phủ xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước, nhằm đạt được lợi ích kép về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.

Với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, từ nhiều năm nay, Thừa Thiên Huế đã luôn quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trước hết là trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sau đó là các loại rau, hoa, cây ăn quả và cây dược liệu. Tỉnh đã ký kết định hướng hợp tác sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trong giai đoạn 2022-2026 với Tập đoàn Quế Lâm nhằm mở rộng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Số liệu cho thấy, đến nay, diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh có khoảng 500ha với 330ha lúa và rau; đồng thời, hàng năm, có hàng ngàn gia súc, gia cầm được chăn nuôi theo mô hình hữu cơ...

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bước đầu đã khẳng định được giá trị trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, so với thực tế, diện tích canh tác theo hướng hữu cơ vẫn còn quá thấp so với 70.000ha diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Trên nhiều cánh đồng hiện nay, tình trạng sử dụng phân, thuốc hóa học vẫn còn diễn ra phổ biến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khó cạnh tranh, bởi sản xuất theo hướng hữu cơ tốn kém hơn nhiều so với sản xuất theo hướng vô cơ.

Sản xuất sạch, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế hội nhập, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng mà còn nâng cao giá trị nông sản, hướng đến xuất khẩu. Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 123/KH-UBND đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản năm 2023. Theo đó, diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10% so với năm 2022. Một trong những giải pháp được đưa ra là tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; chủ động kịp thời xử lý sự cố an toàn thực phẩm, đề xuất giải pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế...

Hiện nay, so với nhiều tỉnh, thành trong nước, sản phẩm nông nghiệp của Thừa Thiên Huế xuất khẩu ra thị trường thế giới còn rất khiêm tốn, mặc dù dư địa còn rất lớn. Ngay cả những sản phẩm hữu cơ tiêu thụ trong nội địa có những thời điểm vẫn rất khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là việc định hướng thị trường, bao tiêu sản phẩm chưa đảm bảo, chủ yếu phụ thuộc vào các lái buôn.

Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... trên địa bàn hiện nay tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ, còn manh mún. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất tập trung, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ,…  sẽ là hướng đi bền vững, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Đặng Thành- Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.167.400
Truy cập hiện tại 931