Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
CCB mạnh dạn làm nông nghiệp kỹ thuật cao
Ngày cập nhật 06/04/2023

 

CCB Bùi Quang Huấn kiểm tra các hũ phôi nấm đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo được xem là một dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Mô hình nuôi trồng dược liệu quý này được CCB Bùi Quang Huấn ở ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, T.P Cần Thơ đầu tư, phát triển, mở ra hướng làm nông nghiệp kỹ thuật cao cho người dân tại địa phương.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề này, ông Huấn bộc bạch: “Tôi là bệnh binh mất 65% sức khỏe. Ðược bạn bè chỉ dẫn nên tôi mua nấm đông trùng hạ thảo bồi bổ. Nhận thấy hiệu quả của sản phẩm, tôi quyết tâm học cách nuôi cấy”.

Để nuôi trồng nấm, ông ra Hà Nội tham quan, học hỏi kinh nghiệm; tự nghiên cứu tài liệu trên Internet; thuê các chuyên gia tư vấn để nuôi cấy… Trải qua nhiều lần thất bại, có lần hỏng hơn 1.000 hũ phôi, đến cuối năm 2019, ông Huấn nghiên cứu thành công cách nuôi cấy; đồng thời phát triển cơ sở thành Công ty TNHH MTV đông trùng hạ thảo Cờ Ðỏ Huấn Xoa.

Theo ông, việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo không dễ bởi loài nấm này thường sống trong môi trường lạnh. Đồng thời, trong quá trình nuôi cấy phải đảm bảo được tiêu chí “sạch”, khử trùng để nấm không bị nhiễm bệnh. Chính vì thế, với diện tích nhà xưởng chỉ 50m2 nhưng vợ chồng ông Huấn đầu tư, trang bị hệ thống máy móc rất hiện đại, như: Tủ cấy, máy phun sương, nồi hấp, máy lạnh…

Theo quy trình nuôi cấy, các giá thể (gạo lức, nước dừa, nhộng tằm, tinh đậu nành…) sẽ được đưa vào nồi hấp thanh trùng khoảng 90 phút. Sau khi để nguội sẽ được cấy giống đông trùng hạ thảo vào các hũ nhỏ và đem ủ trong phòng tối từ 5-7 ngày. Đến khi trong các hũ bắt đầu mọc tơ nấm thì đem ra nuôi trồng trong phòng kín với nhiệt độ 17-22 độ C, độ ẩm 70-80%. Sau 3 tháng sẽ cho ra sản phẩm đông trùng hạ thảo hoàn thiện.

Trong quy trình nuôi trồng, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng là những yếu tố rất quan trọng để đông trùng hạ thảo phát triển tốt, mang lại dược tính cao. Chia sẻ thêm bí quyết, ông Huấn cho biết: “Trong quá trình nuôi cấy phải theo dõi thường xuyên. Chẳng hạn khi phát hiện hộp nấm bị hư thì phải xử lý kịp thời để tránh lây lan sang các hộp khác. Mỗi ngày, tôi phải khử trùng 2-3 lần để đảm bảo tiêu chí sạch”.

Hiện nay, Công ty sản xuất nhiều sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, như: nấm sấy khô, viên nén, trà… Nâng niu trên tay từng hũ đông trùng hạ thảo đang phát triển tốt, ông Huấn bày tỏ về dự định ấp ủ: “Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý, tôi dự định mở rộng diện tích nuôi cấy và mong muốn người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm này nhiều hơn. Qua đó, góp phần đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển tại địa phương…”.

Tháng 10-2022, sản phẩm đông trùng hạ thảo của ông Huấn được công nhận đạt chuẩn OCOOP. Là người tiên phong trong nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, hơn 3 năm qua, Công ty của CCB Bùi Quang Huấn là điểm tham quan, học tập cho người dân. Ông Huấn luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cấy nấm và đã có 2 CCB đã thành công trong công việc này.

 

Đồng chí Phạm Hồng Hương - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam (ngồi thứ năm từ phải sang) thăm hỏi các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng.

Làng Hữu nghị Việt Nam (viết gọn là Làng) thuộc T.Ư Hội CCB Việt Nam, 25 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, sự chỉ đạo, của Đảng, Nhà nước, Quân đội và T.Ư Hội CCB Việt Nam; sự ủng hộ tích cực các Ban, ngành, địa phương, đặc biệt là những tấm lòng hảo tâm của bạn bè quốc tế, cán bộ, nhân viên của Làng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cơ sở hoạt động xã hội, nhân đạo. Làng thực sự trở thành nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái.

Năm 1988, lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau 13 năm kết thúc chiến tranh, ông George Mizo - CCB Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam có nguyện vọng xây dựng một biểu tượng của sự hàn gắn, hợp tác và hoà giải. Trong những lần trao đổi đầu tiên với Uỷ ban Hoà bình Việt Nam, sáng kiến này được nhiệt liệt hoan nghênh. Ngày 18-3-1998, sáu CCB nhiễm chất độc da cam/dioxin và chín trẻ em khuyết tật do di chứng chất độc hóa học trong chiến tranh đầu tiên được đưa đến Làng. Từ đó đến nay, ngày 18-3 hằng năm là Ngày truyền thống của Làng.

Chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho CCB, cựu TNXP là nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh; nuôi dưỡng, giáo dục, điều trị bệnh tật, phục hồi chức năng cho trẻ em bị di chứng độc da cam/dioxin từ bố, mẹ, ông, bà của mình… là những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Làng.

Với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và tấm lòng tri ân Người có công, chỉ trong 5 năm (2018-2022), Làng đón về điều dưỡng 1.738 lượt CCB, cựu TNXP bị nhiễm chất độc dacam/dioxin mà hầu hết đều tuổi cao, sức yếu, có người hơn 90 tuổi. Nhiều người bị hạn chế vận động, đi lại khó khăn, đãng trí, hạn chế nhận thức trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày... khi về Làng, từ cán bộ, nhân viên đều rất thông cảm; luôn phục vụ, giúp đỡ, hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình với các CCB, cựu TNXP như với những người thân trong gia đình.

Làng thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, dạy văn hóa, dạy kỹ năng sống và dạy nghề cho khoảng từ 110-120 trẻ em. Trẻ em khi vào Làng mắc nhiều bệnh nan y như dị tật hình thể, teo cơ, khuyết tật vận động, câm, điếc, bại não, tăng động, tự kỷ… và đa phần đều bị thiểu năng trí tuệ. Với trái tim nhân ái và tấm lòng tri ân, cán bộ, nhân viên của Làng nêu cao trách nhiệm, quan tâm chăm sóc các cháu như chính con đẻ của mình. Quá trình nuôi dưỡng nếu em nào đủ điều kiện sẽ cho về hòa nhập cộng đồng. Sau khi rời Làng, hầu hết các em đều có tinh thần và thể chất khá hơn so với ở nhà. Đặc biệt, Làng đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng, đau mắt đỏ... Trong hai năm 2020-2021, dịch Covid-19 hoành hành phức tạp nhưng Làng vẫn giữ được an toàn.

Trong công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, Làng thường xuyên tổ chức và duy trì 4 lớp giáo dục đặc biệt, mỗi lớp từ 10-15 em; 2 lớp kỹ năng kết hợp thực hành, mỗi lớp khoảng 10 em; 5 lớp dạy nghề: Thêu, dệt saori, cắt may, tin học và làm hoa lụa, mỗi lớp từ 7-10 em. Ban Giám đốc và cấp ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao việc nâng cao trách nhiệm quản lý, chăm sóc các em trên lớp; đổi mới phương pháp dạy và học nhằm đạt được hiệu quả tốt trong công tác giáo dục, dạy nghề. Từ năm 2020 đến nay, đã tăng giờ học thực hành, rèn luyện thể chất, học mà vui, vui chơi cũng là học; phân chia thời gian để một em có thể học ở hai lớp khác nhau giúp các em không nhàm chán, dễ tiếp thu kiến thức...

Trên cơ sở điều kiện sức khỏe, khả năng tiếp thu và sở thích, năng khiếu của từng em, cô giáo chủ nhiệm có chương trình, nội dung dạy phù hợp. Bám sát và thực hiện phương châm: Các em lên lớp được an toàn, mạnh khỏe; nhận được tình thương yêu; sự tôn trọng, chia sẻ và những kiến thức, kỹ năng sống hợp lý. Các em có nhận biết khá được Làng gửi ra trường phổ thông cấp 1, 2, 3 và các trường dạy nghề ngoài Làng để học. Những cháu có tay nghề khá được Ủy ban Quốc tế (UBQT) về Làng Hữu nghị Việt Nam cho làm trợ giảng các lớp nghề.

Từ năm 2019 đến 2022, Làng phối hợp với UBQT về Làng Hữu nghị Việt Nam mà trực tiếp là Ủy ban Quốc gia Mỹ thực hiện chương trình hỗ trợ vốn khởi nghiệp với mô hình làm kinh tế hộ gia đình cho 16 em về hòa nhập cộng đồng. Trước, trong và sau khi trao vốn, Làng thường xuyên liên hệ, phối hợp với chính quyền và Hội CCB các cấp của địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các em cùng gia đình thực hiện dự án. Qua kiểm tra nắm tình hình, đến nay, các em được hỗ trợ đều bảo toàn được vốn và thực hiện dự án có hiệu quả, từ đó có thể tự lập một phần cuộc sống của bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Hiện nay, chương trình này tiếp tục được nhân rộng và được Hội CCB, chính quyền các địa phương, Ủy ban Quốc gia Mỹ hoan nghênh ủng hộ, tạo điều kiện.

Trong công tác đối ngoại nhân dân, Làng luôn giữ mối quan hệ thường xuyên với một số nhân viên đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam. Với các đoàn khách nước ngoài đến làm việc hay các đoàn du lịch đến thăm, các tình nguyện viên, sinh viên… Làng đều đón tiếp cởi mở, thân thiện, chân tình và chu đáo. Chuẩn bị tốt nội dung và cử những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực đối ngoại giỏi để giới thiệu, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế đối với Làng và tuyên truyền đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; lên án tội ác sử dụng chất độc hóa học/dioxin…

Từ 2018 đến nay, Làng đón hàng nghìn khách trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 1.000 khách của  215 đoàn từ 17 quốc gia, với đủ thành phần từ học sinh, sinh viên, công chức, phóng viên, nhà khoa học, doanh nhân, CCB đến những quan chức Chính phủ, các tổ chức quốc tế đến thăm, tìm hiểu về ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin đến con người, giao lưu chia sẻ nỗi đau da cam tại Làng...  Làng phối hợp với UBQT và các Ủy ban Quốc gia về Làng Hữu nghị Việt Nam tổ chức thành công 17 kỳ Hội nghị UBQT về Làng Hữu nghị Việt Nam. Thông qua hoạt động đối ngoại, Làng vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đến thăm, chia sẻ động viên và tặng quà cho các đối tượng được nuôi dưỡng, điều dưỡng tại Làng.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của T.Ư Hội CCB Việt Nam, Làng Hữu Nghị Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo trong công tác, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Sự chung tay của những tấm lòng cao cả ấy đã chung tay xoa dịu nỗi đau, góp phần làm vơi đi một phần khó khăn trong cuộc sống của những nạn nhân da cam/dioxin.

Theo cuuchienbinh.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.167.226
Truy cập hiện tại 820