Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Quyết liệt tận dụng các lợi thế để cùng thắng trong các FTA đã ký
Ngày cập nhật 10/06/2024

(Chinhphu.vn) - Để phát huy được nhiều hơn nữa những lợi thế do các FTA mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận các khó khăn, điểm mạnh, điểm yếu, đâu là khách quan, chủ quan, định vị lại chính mình, tập trung vào những ngành hàng thế mạnh, vào những thương hiệu phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp "đúng và trúng" để tận dụng những cơ hội lớn về thị trường, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận công nghệ hiện đại để tối đa hóa lợi ích

Thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh để tận dụng tối đa các FTA, thúc đẩy xuất nhập khẩu, thì điều rất quan trọng là "biết mình biết người".

Thủ tướng chỉ rõ, cần làm tốt công tác phối hợp trong nước và ngoài nước, giữa các bộ, ngành với nhau, giữa doanh nghiệp – Nhà nước – người dân và các doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo, chủ động thích ứng tình hình với tinh thần "3 cùng": Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

"Biết người, biết ta" để cùng thắng

Bàn giải pháp để FTA thực sự là động lực, là "đôi cánh" cho kinh tế Việt Nam bay cao, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế) cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp "đúng và trúng" để tận dụng những cơ hội lớn về thị trường, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận công nghệ hiện đại.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, tác động đầu tiên và lớn nhất của các FTA là mở rộng tối đa thị trường cả chiều rộng và chiều sâu. Để khai thác hiệu quả tác động này, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư khảo sát, tìm hiểu thị trường để nắm chắc nhu cầu đối tác theo phương châm "bán những thứ thị trường cần", tích cực chào hàng trong các hội chợ, triển lãm, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương để tìm đối tác phù hợp.

Mỗi doanh nghiệp cần có bộ phận chuyên nghiệp về thu thập và xử lý thông tin, cập nhật thông tin, dự báo xu hướng và xây dựng các kịch bản thâm nhập thị trường hiệu quả.

Việc tham gia FTA, về thực chất, là kết nối chuỗi giá trị, thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để kết nối thực chất, doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ theo cam kết trong từng hiệp định. Tuyệt đối không gian lận xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại dẫn đến đánh mất "chữ tín" với các đối tượng hữu quan.

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam (khoảng 90%) đều có quy mô nhỏ và vừa, do đó, khó có thể bao phủ hết thị trường rộng lớn, khó tạo được lợi thế quy mô, thiếu đầu tư vào công nghệ cao, dễ bị đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thậm chí bị gạt khỏi thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động kết nối nội bộ ngành và ngoài ngành để tăng khả năng hỗ trợ, bổ sung lợi thế lẫn nhau, tăng năng lực đáp ứng đơn hàng quy mô lớn.

Các doanh nghiệp nên đầu tư nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Đây là những yếu tố tạo sự khác biệt, bí quyết và lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho doanh nghiệp.

Theo số liệu ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), chí phí đầu tư nghiên cứu và phát triển so với GDP của Việt Nam chỉ trong khoảng 0,5-1%. Đây là lý do khiến doanh nghiệp trong nước ít có sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, cam kết trong các FTA có xu hướng mở rộng phạm vi đến hàng rào phi thuế quan, yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sự hợp chuẩn, hàm lượng nội địa, bảo vệ môi trường, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động... Xu hướng này cho thấy các cam kết hướng đến khía cạnh kỹ thuật- công nghệ- môi trường-lao động nhiều hơn so với khía cạnh thương mại thuần túy.

"Vì thế, yêu cầu đổi mới sáng tạo được đặt ra rất lớn và trở thành nền tảng mới của các cam kết. Các FTA, khi không được tận dụng triệt để cơ hội đầu tư nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo, có thể trở thành "bẫy cam kết" đối với doanh nghiệp", PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nêu nhận định..

Bài 3: Quyết liệt tận dụng các lợi thế để cùng thắng trong các FTA đã ký- Ảnh 4.

Các doanh nghiệp nên đầu tư nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong sản xuất

Định vị lại chính mình

Chuyên gia Doãn Hữu Tuệ cho rằng, bên cạnh những giải pháp vĩ mô mà Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã đề ra, bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức và hành động sát với thực tiễn để tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA.

Doanh nghiệp Việt Nam cần định vị lại chính mình để tập trung vào những ngành hàng được xác định là thế mạnh và gắn bó lâu dài với những ngành hàng đó, cũng như tập trung vào những thương hiệu phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp nên tập trung và hướng tới những sản phẩm trách nhiệm, những sản phẩm thân thiện với môi trường, từ khâu nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tiến tới bao bì cũng phải sạch. Về phía mình, ngành ngân hàng cần tư vấn cho các doanh nghiệp làm thế nào để tận dụng được những nguồn vốn tín dụng xanh của các tổ chức quốc tế.

Chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu; tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường; thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị đối với thị trường hợp tác để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.

Doanh nghiệp cần nắm bắt, cập nhật thông tin về thị trường, tìm hiểu các ưu đãi thuế quan các khu vực có FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để có kế hoạch đáp ứng hàng hóa xuất khẩu bền vững theo tiêu chuẩn thị trường lựa chọn, phù hợp với lợi thế của địa phương; tăng cường liên kết tạo sức mạnh cạnh tranh; xây dựng thương hiệu; đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để chủ động nguồn hàng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu, bản quyền, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp… để tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình tham gia FTA.

"Để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường với các mặt hàng chủ lực của địa phương, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập nhanh của doanh nghiệp. Trong đó cần tập trung vào 3 nội dung để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu đó là: Phát triển doanh nghiệp xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu", ông Tuệ nhấn mạnh.

 
 
https://baochinhphu.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.164.188
Truy cập hiện tại 4.845