Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc người lao động cần biết
Ngày cập nhật 18/01/2021

Để triển khai chính sách bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật ATVSLĐ về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Nghị định 44/2017/NĐ-CP về điều chỉnh giảm mức đóng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng đã ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.

Chính sách bảo hiểm TNĐ, BNN bắt buộc người lao động cần biết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định 37 và thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 15/9/2020 và thay thế cho Nghị định 37, với một số điểm mới như sau:

Bổ sung chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động (NLĐ) giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ). Theo Điều 4 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định NLĐ giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ nếu bị TNLĐ, BNN thì được Quỹ bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN chi trả các chế độ: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp hằng tháng hoặc 01 lần; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi NLĐ chết do TNLĐ; đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ, BNN hằng tháng; Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, chữa BNN; phục hồi chức năng lao động và huấn luyện ATVSLĐ.

Theo đó, so với quy định tại Điều 5 Nghị định 37/2016/NĐ-CP thì quy định mới bổ sung thêm nhiều chế độ được hưởng trợ cấp hơn. Ngoài ra, quy định hiện hành không giới hạn tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm trong trường hợp này, tuy nhiên với quy định mới thì mức này được giới hạn là không quá 20 tháng lương cơ sở.

Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh cho NLĐ. Như vậy, so với Điều 6 và Điều 8 Nghị định 37/2016/NĐ-CP thì mức hỗ trợ chi phí chữa BNN này tăng từ 50% lên 100%. Đồng thời, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là "thân nhân NLĐ bị BNN" thay vì chỉ giới hạn là NLĐ bị BNN.

Thêm điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 88/2020/NĐ-CP thì NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ khi NLĐ có đủ các điều kiện sau đây: Suy giảm khả năng lao động do bị TNLĐ, BNN từ 31% trở lên; Được NSDLĐ sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của NLĐ nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi; Đang tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị TNLĐ, BNN.

Theo đó, từ ngày 15/9/2020, khi đáp ứng đủ cả 3 điều kiện trên thì NLĐ mới được hưởng chế độ này. Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định 88/2020/NĐ-CP cũng quy định về số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ trong trường hợp này là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Giảm bớt điều kiện hỗ trợ khám BNN cho NLĐ. Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 88/2020/NĐ-CP thì NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí để khám BNN khi có đủ các điều kiện sau đây: Có thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám BNN cho NLĐ; Đã được phát hiện BNN tại các cơ sở khám bệnh, chữa BNN.

Đơn giản điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa BNN cho NLĐ. Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định thì NLĐ được hỗ trợ kinh phí chữa BNN khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã được chẩn đoán bị BNN tại cơ sở khám bệnh, chữa BNN; Đã tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa BNN; Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây BNN.

Theo đó, Nghị định 88/2020/NĐ-CP đã bỏ đi điều kiện NSDLĐ đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ trong thời gian NLĐ làm các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN và NSDLĐ đã tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ theo quy định. Ngoài ra, tại Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP cũng quy định mức hỗ trợ này bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm NLĐ chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người (trước đây là không quá 10 lần mức lương cơ sở/người).

Thêm điều kiện hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ. Theo Điều 32 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định NSDLĐ được nhận kinh phí hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ khi có đủ các điều kiện sau: NSDLĐ có thời gian liên tục đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ thuộc đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện từ đủ 12 tháng trở lên cho đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ; Thuê tổ chức huấn luyện có đủ điều kiện theo quy định hoặc tự huấn luyện ATVSLĐ cho đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện lần đầu hoặc huấn luyện định kỳ theo đúng quy định pháp luật hiện hành; Thực hiện báo cáo định kỳ công tác ATVSLĐ, báo cáo tình hình TNLĐ của năm trước liền kề năm đề nghị cho Sở LĐ-TB&XH theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Điều 34 Nghị định 88/2020/NĐ-CP cũng quy định NSDLĐ được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện nhưng tối đa không quá mức dưới đây: Hỗ trợ huấn luyện lần đầu: Không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên; Không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách ATVSLĐ và người làm công tác y tế; Không quá 600.000 đồng/người với đối tượng là người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; Không quá 700.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người làm công tác ATVSLĐ. Riêng đối với hỗ trợ huấn luyện định kỳ không quá 50% mức hỗ trợ huấn luyện lần đầu theo quy định trên (trước đây là không quá 30% mức giá dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ theo quy định).

Với các chính sách mới được ban hành sẽ khơi thông nguồn lực, giúp thực hiện hiệu quả hơn việc hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN, góp phần hạn chế TNLĐ, BNN và đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho NLĐ.

Theo Phương Minh(Báo Dân sinh)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.192.588
Truy cập hiện tại 418