Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Đoàn kết cùng TPHCM vượt qua đại dịch
Ngày cập nhật 09/07/2021
(Chinhphu.vn) – TPHCM và một số tỉnh phía Nam đang dồn lực, căng mình chống dịch và sự động viên, hỗ trợ, chi viện của các lực lượng, các địa phương trên cả nước sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh.
 
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vào sáng 3/7. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi, huy động toàn bộ lực lượng trong ngành Y tế, bao gồm cả y tế nhà nước, y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, lực lượng cán bộ y tế đã nghỉ hưu… chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm chống dịch như chống giặc.

Tại cuộc họp trực tuyến sáng 8/7 với TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ sẽ cử lực lượng (khoảng 10.000 cán bộ y tế) giúp TPHCM lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ địa phương.

Cũng tại cuộc họp, TPHCM đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ thêm 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca nhiễm.

Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định tinh thần “TPHCM thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ sẽ hỗ trợ bấy nhiêu”, Bộ phối hợp chặt chẽ, trao đổi rất cụ thể với Thành phố để chi viện, tăng cường lực lượng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.

Một trong số các lực lượng chi viện của ngành Y đến từ các trường cao đẳng, ĐH trên khắp cả nước. Trước khi đi hỗ trợ các địa phương, thầy cô giáo và các em sinh viên, các tình nguyện viên phải được tăng cường tập huấn chuyên môn về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc bệnh nhân, giám sát, xét nghiệm, các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng.

Lực lượng này luôn sẵn sàng và trên thực tế đã thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh khi được phân công tại các “điểm nóng” về dịch như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TPHCM…

Cuối tháng 7/2020, khi dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã huy động 800 sinh viên ĐH kỹ thuật y dược Đà Nẵng và Trường Quân sự Quân khu 5 tham gia hỗ trợ chống dịch. Hơn 100 thầy, trò ĐH Y Hà Nội cũng đã được huy động tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô.

Dịp Tết Nguyên đán 2021, đã có 17 sinh viên Trường ĐH Y dược TPHCM tình nguyện không về quê đón Tết, để tham gia hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) chống dịch. Hơn 300 sinh viên của Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cũng đã đăng ký tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2 (ĐH kỹ thuật Y tế Hải Dương), BV dã chiến Chí Linh, Trung tâm y tế huyện Cẩm Giàng, Trung tâm y tế huyện Kim Thành, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương…

Mới đây nhất, trong đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi lãnh đạo 125 trường ĐH và cao đẳng y, dược trên toàn quốc, hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại 2 địa phương này. Ngay trong ngày Bộ trưởng kêu gọi, đã có 375 tình nguyện viên, sinh viên từ trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược Thái Nguyên, ĐH Y dược Hải Phòng, ĐH Điều dưỡng Nam Định… được chi viện lập tức cho Bắc Ninh, Bắc Giang. ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương chi viện gần 300 sinh viên và giảng viên, ĐH Y Hà Nội chi viện 160 sinh viên và giảng viên…

Tại các tỉnh phía Nam, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, hàng nghìn sinh viên trên địa bàn TPHCM và các địa phương trên cả nước như Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội…cũng đã tình nguyện vào “tâm dịch” để hỗ trợ công tác truy vết, xét nghiệm, lấy mẫu, tham gia trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại Bình Dương, Phú Yên, TPHCM…

Không nề hà để làm việc hiệu quả

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, quyết định điều động các cán bộ giảng viên, sinh viên đi vào “tâm dịch” hỗ trợ chỉ có ngày đi chứ không có ngày về. Khi nào hết dịch, các bạn trẻ mới quay về tiếp tục học tập.

“Công việc nơi tâm dịch sẽ khó khăn, vất vả, chứ không phải trải thảm đỏ. Là sinh viên ngành Y, có trách nhiệm với cộng đồng, chúng ta tự hào khi được trang bị đầy đủ kiến thức, cùng với tấm lòng nhiệt huyết, xung phong của tuổi trẻ, chúng ta sẽ cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với đồng nghiệp ở các địa phương, để hiểu và hỗ trợ những gì địa phương đang cần”, thầy Tạ Thành Văn chia sẻ với các sinh viên trước khi các em lên đường hỗ trợ chống dịch tại các địa phương.

Nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế, hơn 300 sinh viên cùng 9 cán bộ giảng viên trường ĐH kỹ thuật y tế Hải Dương mới đây, cũng đã cấp tốc lên đường vào hỗ trợ TPHCM công tác phòng chống COVID-19. Trước đó, chính các em sinh viên này đã tình nguyện góp sức trên nhiều “mặt trận” chống dịch COVID-19 trọng điểm như tại Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TPHCM, đánh giá cao đoàn hỗ trợ TPHCM của các em sinh viên trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Nhiệm vụ chủ yếu của các em là tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng và các điểm phong tỏa.

“Hiện tại, đội sinh viên trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương cùng một số lực lượng hỗ trợ khác tại TPHCM đang làm việc hiệu quả. Bộ Y tế sẽ giao đoàn hỗ trợ của Hải Dương thực hiện thêm một số xét nghiệm mới, vì đây là đoàn đã được huấn luyện và có kinh nghiệm”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

“Khi đi vào TPHCM, tất cả thầy trò mang theo tâm thế không nề hà, ngại khó, ngại khổ mà luôn sẵn sàng hỗ trợ giúp địa phương nhanh chóng chống dịch. Tại TPHCM, chúng tôi sẽ làm hết mình, quan điểm nhất quán là hỗ trợ được đến đâu chúng tôi sẽ hỗ trợ”, thày Ngụy Đình Hoàn, Trưởng đoàn hỗ trợ  trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương hỗ trợ tại TPHCM cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Tri thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, TPHCM, khi tình hình dịch ở Thành phố diễn biến phức tạp, mọi sự chi viện lúc này đều đáng trân trọng, góp của đã quý, góp sức góp người càng đáng quý hơn. Tình cảm của các em sinh viên, tình nguyện viên là vô cùng đáng trân trọng. Lúc này chỉ có đoàn kết mới giúp TPHCM sớm vượt qua dịch.

Em Nguyễn Duy Phước (sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Y Hà Nội) cho biết, công việc ở tâm dịch rất vất vả, có khi phải đứng liên tục nhiều giờ dưới nắng để lấy mẫu và làm việc đến đêm, thậm chí phải nhịn cả vệ sinh, nhịn uống nước, nhưng dịch đang diễn biến phức tạp, tất cả đều mong muốn được đóng góp sức mình để ngăn chặn dịch.

Em Nguyễn Thị Tình, sinh viên khoa Điều dưỡng của trường ĐH kỹ thuật y tế Hải Dương cũng chia sẻ, các em vào TPHCM với tâm thế như đi vào các vùng dịch khác như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, mong muốn duy nhất là góp chút công sức cùng người dân TPHCM đồng lòng, nhanh chóng dập dịch COVID-19 sớm nhất.

Theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, trên cả nước, hiện nay có khoảng 2.053 cán bộ giảng viên, sinh viên thuộc 11 trường ĐH và cao đẳng y dược trên cả nước đang tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên…

Bộ Y tế nhận định, trong những ngày tới, các ca mắc COVID-19 tại các tỉnh phía Nam sẽ tiếp tục ghi nhận. Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng cường nhân lực rất nhiều, trong đó tăng cường nhân lực cho việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine… Để thực hiện tốt công tác này, chắc chắn không thể thiếu sự đóng góp của các y bác sĩ trên cả nước, cũng như những sinh viên, tình nguyện viên.

Theo Hiển Minh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.167.030
Truy cập hiện tại 702