Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Thu hẹp đất canh tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 1: Điện Biên – Chuyển mục đích nhiều diện tích đất canh tác
Ngày cập nhật 07/02/2023

Vùng Tây Bắc, Tây Nguyên – nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống – đang có tình trạng quỹ đất canh tác bị thu hẹp. Nguyên nhân đến từ việc đất canh tác chuyển đổi mục đích phục vụ phát triển hạ tầng; thiên tai, biến đổi khí hậu; phá rừng và ô nhiễm môi trường đất. Ngoài ra, tình trạng thoái hóa đất đang làm giảm chất lượng đất sản xuất ở đây.

Bài 1: Điện Biên – Chuyển mục đích nhiều diện tích đất canh tác

Diện tích đất canh tác của tỉnh Điện Biên đang bị thu hẹp bởi những dự án mở rộng hạ tầng kết cấu xây dựng, hạ tầng giao thông và dự án lâm nghiệp như: trồng cao su, dự án trồng cây mắc ca… theo phương thức liên kết, 3 bên (người dân, địa phương và doanh nghiệp). Bên cạnh đó một số diện tích đất nương luân canh của người dân cũng được đưa vào quy hoạch 3 loại rừng.

Thu hồi đất phát triển hạ tầng giao thông

Trong giai đoạn qua, tỉnh Điện Biên đã chuyển 4 tuyến đường tỉnh, đường vành đai biên giới thành hệ thống quốc lộ: Nâng cấp tuyến hành lang biên giới Na Pheo - Si Pha Phìn - Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải thành quốc lộ 4H (bao gồm 2 tuyến nhánh 4H1 và 4H2); tuyến hành lang biên giới Núa Ngam - Huổi Puốc thành quốc lộ 279C; tuyến tỉnh lộ 148B và tỉnh lộ 139 thành quốc lộ 12; tuyến tỉnh lộ 141B phân đoạn Nà Tấu - Mường Phăng thành quốc lộ 279B, với tổng chiều dài gần 404km, đưa tổng chiều dài hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh lên hơn 745km.

Chính vì vậy, diện tích đất đất nương rãy, đất ruộng và một số loại đất khác phục vụ cho nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương này vì thế cũng dần bị thu hẹp. Đặc biệt, là diện tích đất nương canh tác của người dân.

dat-1.jpg

Đất canh tác nương rãy có độ dốc thoải, mưa nhiều sẽ bị sói mòn lớp mùn tơi xốp. Trong ảnh: Người dân Điện Biên cày nương chuẩn bị vụ gieo trồng mới.

Với ý nghĩa đi trước mở đường tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn ở Điện Biên được nâng cấp, đầu tư mở rộng. Điều này đã mang lại những tính ưu việt, diện mạo khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa đổi mới rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp… đất canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vì thế cũng bị thu hẹp.

Tính riêng các công trình xây dựng, hệ thống đường và các dự án có thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân trong giai đoạn từ 2016 đến nay khoảng gần 1.607,34ha đất các loại. Riêng Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, địa phương đã phải thực hiện thu hồi 114,24ha đất lúa để mở rộng sân bay.

Ngoài những dự án phát triển kết cấu hạ tầng xây dựng, hạ tầng giao thông thì một loạt các dự án lâm nghiệp như cao su, mắc ca… chiếm rất nhiều diện tích đất canh tác của người dân.

Đất trồng mắc ca, đất rừng thế chỗ đất sản xuất

Đối với dự án trồng cây mắc ca, UBND tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô dự kiến triển khai trồng 71.415ha, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng. Tổng diện tích cần đo đạc quy chủ 11.160ha. Đồng thời cho phép UBND các huyện và các nhà đầu tư đo đạc, quy chủ, xác định thực trạng sử dụng đất hàng năm của người dân đang quản lý, sử dụng (bao gồm cả diện tích người dân đang quản lý, sử dụng ngoài vùng dự án để tính toán hạn mức tối đa không quá 5ha/hộ gia đình, cá nhân để góp phần tăng diện tích cho các Nhà đầu tư thuê). Đối với diện tích giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo hạn mức 5ha/hộ gia đình, cá nhân, cho phép người dân được toàn quyền quyết định kể cả việc trả lại đất để nhà nước cho các nhà đầu tư thuê đất thực hiện dự án theo cơ chế hiện nay.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai dự án trồng mắc ca trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Điện Biên đang gặp một số vướng mắc về đo đạc quy chủ, thu hồi đất của dân giao cho dự án.

Ông Trần Văn Long,Trưởng Phòng TN&MT huyện Nậm Pồ, cho biết: Hiện nay nhiều người dân huyện Nậm Pồ không hợp tác để thực hiện việc đo đạc quy chủ với tâm lý sợ mất đất canh tác. Theo như quy định của tỉnh Điện Biên, tại dự án trồng mắc ca thì mỗi hộ dân không vượt quá 05ha đất, nếu vượt quá thì bị sẽ thu hồi để giao cho các đơn vị trồng mắc ca thuê lại mỗi 01ha là 15 triệu đồng/năm. Chính vì vậy mà nhiều hộ đã không hợp tác để đo đạc quy chủ.

canh-dong-muong-thanh-cung-bi-nguoi-dan-lan-chiem-lam-nha-khu-vuc-c9-thanh-xuong-lam-thu-hep-dan-dat-canh-tac.jpg

Cánh đồng Mường Thanh cũng bị người dân lấn chiếm làm nhà khu vực C9, xã Thanh Xương dẫn đến thu hẹp dần đất canh tác

Ngoài ra, Điện Biên còn phát triển dự án trồng cao su khoảng gần 4.000ha. Đất sản xuất của đồng bào thu hẹp còn bởi Điện Biên quy hoạch 3 loại rừng lấn vào diện tích đất nương canh các luân canh.

Chia sẻ điều này, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, trăn trở: Đồng bào các DTTS ở đây họ có thói quen canh tác luân canh, để đất nương rãy bỏ hoang 3 năm đến 5 năm sau mới quay lại canh tác, tạo độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất. Nên những vị trí đất đó cây mọc lên đơn vị tư vấn bắn trên định vị PRS có màu xanh đã đưa vào quy hoạch 3 loại rừng. Rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện phàn nàn, bức xúc về chuyện đất nương luân canh của người dân được đưa quy hoạch vào 3 loại rừng.

Làm sao để hài hòa giữa phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống sản xuất cho người dân là vấn đề mà tỉnh Điện Biên cần nghiên cứu, có giải pháp đồng bộ, lâu dài.

Tỉnh Điện Biên đã tiến hành điều tra, rà soát thoái hóa đất kỳ đầu từ cuối năm 2015 với tổng diện tích rà soát khoảng 930.000 ha. Qua đó xác định được gần 350.000ha đất đã bị thoái hóa nặng, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ. Những diện tích bị thoái hóa nặng này đều có chung biểu hiện bị xói mòn, rửa trôi, kết vón và suy giảm độ phì nhiêu. Ngoài ra diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa cũng được xác định chiếm khoảng 87% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng thu hẹp diện tích đất canh tác của người dân.

theo https://dttg.baotainguyenmoitruong.vn/t
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.198.954
Truy cập hiện tại 719