Mạng xã hội là một loại “quyền lực mềm” thông qua facebook, zalo, twiter, tiktok... Mỗi cá nhân đều phải tự làm chủ không gian mạng (ảnh minh họa). Ảnh: Internet 

1.  KGM là một vấn đề cần được nghiên cứu mang tầm lâu dài nhằm đề ra chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, KGM là “không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ”. Có ý kiến cho rằng, KGM là quyền lực thứ 5 tiếp theo sau “lập pháp, hành pháp, tư pháp, báo chí”. Cho nên, chủ quyền KGM cần được nhìn nhận dưới góc độ chủ quyền, an ninh quốc gia ở mỗi Nhà nước, trong đó Việt Nam không phải ngoại lệ.

Mạng xã hội là một loại “quyền lực mềm”, sức mạnh rất lớn thông qua facebook, zalo, twiter, tiktok... Nó bao trùm trên mọi lĩnh vực từ giải trí, an sinh xã hội, văn hóa, kinh tế đến an ninh, an toàn đất nước. So sánh với báo chí là nguồn thông tin được kiểm duyệt qua “bộ lọc”, còn mạng xã hội được truyền tải bởi bất kỳ ai, bất cứ ở đâu khi có trong tay điện thoại thông minh hay một máy tính kết nối internet. Nó trở thành một phương tiện truyền tin nhanh, có tác dụng vô cùng hữu hiệu, gây tác hại khủng khiếp nếu bị tấn công từ công cụ này. Chính yếu tố lan tỏa và khó kiểm soát nên KGM đã trở thành đối tượng tiếp tay cho những hoạt động thông qua các chức năng của nó.

Việt Nam là một trong số quốc gia có người sử dụng internet cao trên thế giới với hơn 68 triệu tài khoản mạng xã hội facebook, 70 triệu người sử dụng internet và có tỷ lệ truy cập rất cao. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong các nước bị ảnh hưởng bởi các thách thức và khó khăn trong kiểm soát internet. KGM trở thành lĩnh vực mà đối tượng chống đối đang lợi dụng để đăng tải thông tin sai lệch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị, xã hội, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thông tin trên mạng được dùng như là phương thức móc nối trong - ngoài và tập hợp lực lượng nhanh chóng cho hoạt động gây rối, biểu tình, bạo loạn, lật đổ. Các tổ chức phản động ở hải ngoại được Bộ Công an liệt kê vào danh sách khủng bố thường xuyên tiến hành các hoạt động trên KGM nhằm chống phá, chỉ đạo hoạt động khủng bố, tài trợ hoạt động chống Nhà nước.

Trong giai đoạn 2010-2021, với việc sử dụng hơn 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài, 381 web, blog có tên miền trong nước, các lực lượng chống đối đã phát tán hơn 60.000 bản tin, bài viết nhằm vào lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, bạo loạn, hơn 80% số vụ lộ bí mật nhà nước qua hệ thống thông tin mạng… Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ là nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh và bảo vệ an toàn đất nước.

2. Sự phát triển khoa học - công nghệ của internet tạo ra thuận lợi, thời cơ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó là mối đe dọa đối với chủ quyền, an ninh quốc gia cũng không ngừng gia tăng. Từ những vấn đề phức tạp đó cho nên Đảng, Nhà nước rất quan tâm về những vấn đề liên quan trên lĩnh vực này. Năm 2018, Luật An ninh mạng ra đời, cùng với đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên KGM”, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia” và nhiều văn bản pháp quy khác. Các văn bản thể hiện đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về phát triển KGM và chủ động đảm bảo an ninh quốc gia. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của hệ thống chính trị trong đảm bảo an ninh mạng và phòng thủ đất nước trước mắt và lâu dài.

Trong giai đoạn hiện nay khi mạng internet đang có nhiều mặt tác động đến an ninh, an toàn của đất nước thì yêu cầu đặt ra phải chủ động ứng phó với mặt trái của nó mà các thế lực đang triệt để lợi dụng. Nhận diện rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của tội phạm nhằm tạo ra sức đề kháng trước các các hoạt động kích động chống phá của các thế lực thù địch, hạn chế thấp nhất phương thức kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ trong tình huống xảy ra trên diện rộng.

Thực tế từ những vụ biểu tình, gây rối ở nhiều địa phương xảy ra từ 2014 đến 2018 đã diễn ra theo kịch bản đó nếu chúng ta chủ quan. Những bài học rút ra từ Mùa xuân Ả rập và nhiều nước trên thế giới không cho phép chúng ta mất cảnh giác với sự “tấn công” âm thầm và nguy hiểm của địch lợi dụng KGM. Những vụ tấn công  các cơ quan trọng yếu, các tổ chức kinh tế, các vụ lộ lọt bí mật Nhà nước thời gian qua đòi hỏi phải có những giải pháp chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn bằng chế tài pháp luật, đối phó hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn trong sử dụng công nghệ mới của địch.

Bảo vệ chủ quyền trên KGM, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong thời bình cũng như thời chiến đòi hỏi phải chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới. Kịp thời phát hiện những ứng dụng trên KGM của địch, chủ động tấn công trên lĩnh vực tư tưởng, phòng ngừa phá hoại gây nhiễu nội bộ. Dù là tấn công bằng quân sự hay bạo loạn lật đổ thì phương thức lợi dụng yếu tố toàn cầu và khó kiểm soát được địch tận dụng để tấn công chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh cần hết sức chủ động trước loại “kẻ thù vô hình”, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống dù là vũ trang hay trên KGM. Cần xác định an ninh mạng gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn đất nước, ứng phó chủ động với chủ quyền quốc gia.