Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
Ngày cập nhật 06/10/2020

QĐND - Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam-nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất Nguyễn Thị Minh Khai tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

 

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30-9-1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 17 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ. Cuối năm 1927, đầu năm 1928, ở khu vực Vinh-Bến Thủy, phong trào đấu tranh của công nhân bùng lên mạnh mẽ, Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong hội đã tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền cách mạng, dạy học ban đêm cho công nhân và bồi dưỡng những thành phần cốt cán để kết nạp vào hội. Những hoạt động tích cực đó góp phần to lớn cho phong trào cách mạng ở Vinh không ngừng mạnh lên. Đây là những bước chuẩn bị rất quan trọng trong giai đoạn xây dựng hệ thống cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng, góp phần vào việc hợp nhất các tổ chức đảng, thành lập chính đảng duy nhất nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh, đồng thời tổ chức được nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng-lực lượng nòng cốt của Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, đồng chí sang Hương Cảng, công tác tại văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn, đánh đập, nhưng đồng chí vẫn không một lời khai báo để bảo vệ phong trào cách mạng và tổ chức cơ sở Đảng. Năm 1934, đồng chí ra tù và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Tại phiên họp 40 của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Nguyễn Thị Minh Khai thay mặt phụ nữ Đông Dương phát biểu với 3 nội dung chính: Tố cáo sự thống trị, phản động của thực dân Pháp ở Đông Dương; nêu ra thực trạng công tác vận động, tổ chức phụ nữ của Đảng; nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và đấu tranh cho hòa bình. Qua đó, đồng chí khẳng định cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở Đông Dương phải được khơi dậy bằng truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa của dân tộc, phải phát huy được mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, lấy công-nông làm gốc, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Thông qua những hoạt động tại các hội nghị quốc tế, Nguyễn Thị Minh Khai đã giúp các đồng chí trong Quốc tế Cộng sản thấy được tình cảnh ở thuộc địa, bản chất bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc, nhìn rõ hơn vai trò của phụ nữ và thanh niên trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Tiết mục sân khấu hóa hình tượng Liệt sĩ- nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: TTXVN.

Năm 1936, đồng chí được cử về nước truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, lãnh đạo cao trào cách mạng 1936-1939 ở Sài Gòn với bí danh Năm Bắc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, của Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, khí thế, tinh thần đấu tranh của công nhân và nông dân biến thành nhiều cuộc tổng bãi công, biểu tình, đình công chính trị ở khắp Nam Kỳ và lan rộng ra Trung Kỳ, Bắc Kỳ, buộc thực dân Pháp phải trả tự do cho tù chính trị, phải ban hành một số quyền lợi của công nhân (được nghỉ chủ nhật, được nghỉ phép và hưởng lương trong năm, cấm phụ nữ làm ban đêm). Trong giai đoạn này, Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong xứ ủy tích cực xuất bản báo chí, nhất là các tờ báo công khai để tuyên truyền cho cách mạng; lấy báo chí làm vũ khí sắc bén để cổ động, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức quần chúng đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết nhiều bài truyền đạt tư tưởng của Quốc tế Cộng sản, truyền bá và bảo vệ quan điểm của Đảng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị và kêu gọi quần chúng đấu tranh, trở thành lực lượng chính trị mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn đã giành được nhiều thắng lợi lớn: Các chủ xưởng đã phải niêm yết luật lao động, phải tăng lương, phải cam đoan không đuổi thợ; ở nông thôn được giảm tô, giảm thuế...

Được sự chấp thuận của xứ ủy, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai triệu tập Hội nghị đại biểu nữ giải phóng toàn Nam Kỳ. Đây là cuộc họp mặt đầu tiên trong lịch sử phong trào phụ nữ nước ta, là tiền đề cho phong trào phụ nữ ngày càng phát triển, vươn lên hòa vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết nhiều bài về vấn đề giải phóng phụ nữ, đấu tranh với những luận điểm xuyên tạc về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Trong hoạt động cách mạng, đồng chí luôn gắn cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc; thường xuyên kêu gọi chị em hăng hái hơn nữa trong phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Do vậy, trong phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, lực lượng phụ nữ tham gia ngày một đông. Nhiều cuộc đấu tranh do đại bộ phận phụ nữ tham gia hoặc do cán bộ phụ nữ trực tiếp chỉ đạo như cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy thuốc lá Cotab, của chị em tiểu thương chợ Hóc Môn... với những khẩu hiệu riêng về phụ nữ: "Việc làm và trợ cấp ngang nhau", "Trợ cấp sinh đẻ, không sa thải thợ có thai"...

Ngày 30-7-1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt, đưa về giam ở bốt Catina. Trong thời gian bị giam cầm, đồng chí tiếp tục vận động chị em phụ nữ ở bốt đấu tranh và tìm cách liên lạc với bên ngoài, tiếp tục chỉ đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Dù bị tra tấn dã man nhưng với ý chí thép và lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc, bất khuất trước kẻ thù, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn không khai nửa lời. Đồng chí đã lấy máu của mình viết lên cánh cửa buồng giam với những lời thơ đầy khí khái: Dù đánh, dù treo càng cương quyết/ Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời/ Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/ Triệt để thực hành chết mới thôi. Kẻ thù đã đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ra tòa và kết án tử hình. Tại tòa, đồng chí dõng dạc nói: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước là không có tội sao?”. Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, trong suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai luôn hiến dâng trọn đời cho lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và dân tộc. Trước khi ra pháp trường, đồng chí đã nhắn nhủ đồng bào, đồng chí: Vững chí bền gan ai hỡi ai/ Kiên tâm giữ dạ mới anh tài/ Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ/ Con đường cách mạng vẫn chông gai. Ngày 28-8-1941, kẻ thù đã xử bắn Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần. Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì” và hô to: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của mình.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống, nhưng khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tinh thần đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là bất tử. Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và nhân dân giao phó, để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước, luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình; về sự kiên trung, bất khuất vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân; về phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng-bình thản đối diện với cái chết và sự tàn bạo của kẻ thù, dù phải chết, dù phải hy sinh tính mạng nhưng không hề nao núng, không khuất phục, không bao giờ đầu hàng. Sự nghiệp dở dang và ước nguyện cao đẹp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với đồng đội, đồng chí đã được các thế hệ chiến sĩ cộng sản, nhân dân Việt Nam tiếp tục hoàn thành. Tấm gương hoạt động, cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sẽ mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân và dân tộc Việt Nam; là mạch nguồn tiếp tục động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ, thiết thực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá NGÔ ĐÌNH PHIẾM

 

Võ Nhị Minh (sưu tầm)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.167.209
Truy cập hiện tại 808