Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Một gia đình có truyền thống cao quý: HIẾN XÁC CỨU NGƯỜI
Ngày cập nhật 19/10/2020

Hiến xác là một nghĩa cử cao đẹp giúp cho sự sống trở lại với những bệnh nhân được cứu. Bác sĩ cứu người thì có công, nhưng công lớn nhất vẫn thuộc về những người thầy thầm lặng của họ, những người đã hiến thân mình để cho họ có đôi tay khéo léo và tâm lý vững vàng hơn khi giành giật sự sống từ bàn tay của tử thần.

  Nhiều người có di nguyện trước khi chết rằng phải “sống có cái nhà, chết có nấm mồ”, rồi đại đa số thân nhân mong muốn cho người thân của mình được “mồ yên mã đẹp” sau khi chết, thì rõ ràng việc hiến xác vẫn chưa được nhiều người Việt Nam thông hiểu và chấp nhận. Vì thế, việc hiến xác cho khoa học càng không phải là chuyện dễ dàng, dễ quyết định đối với người tự nguyện lẫn thân nhân của họ. Ấy vậy mà, ở khu phố 6 phường 9, có một gia đình lại có truyền thống theo nhiều người dân quanh đây nhận định là rất “lạ đời”: Truyền thống hiến xác cho y học. Đó là gia đình ông Lương Quang Tỏ - Người chiến sĩ của đội biệt động 67B anh hùng của người dân Gò Môn năm xưa ( Sau này tách ra làm 4 quận, huyện gồm : Quận Gò Vấp, Quận 12, Huyện Hóc Môn, Huyện Củ Chi ), người cựu tù chính trị, người đảng viên 40 năm tuổi Đảng của Đảng bộ Phường 9 Gò Vấp.

            Ông Lương Quang Tỏ sinh năm 1935, quê quán ở Tiền Giang. Từ nhỏ theo gia đình về khu vực Gò Môn sinh sống. Sau nhiều lần trốn địch bắt đi quân dịch, ông tham gia kháng chiến và được phân công làm y tá cho đội biệt động 67B. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, ông tự hào được đứng tuyên thệ trong buổi lễ kết nạp Đảng vào năm 1968. Một năm sau đó, ngày 2/9/1969, niềm đau vô hạn khi nghe tin Bác mất chưa được phút giây nguôi ngoai thì bất ngờ sau cuộc họp thông tin Bác mất, ông cùng đồng đội bị địch bao vây chặn đánh, dù chống trả quyết liệt nhưng cuối cùng vì yểm trợ cho đồng đội mà ông bị địch bắt. Chúng đưa ông vào nhà lao Gia Định, rồi chuyển ông sang nhà tù Hố Nai, cuối cùng áp giải ông ra nhà tù trên đảo Phú Quốc. Cứ mỗi lần chuyển tù là địch “tiếp đón” ông bằng những đòn roi, đủ món “ăn chơi” đặc trưng của mỗi nhà tù chúng chuyển đến. Dù vậy, ý chí sắt đá và niềm tin son sắt của một người lính, người đảng viên đã tiếp thêm cho ông nhiều nghị lực trong suốt những năm tù đày. Khi nhắc lại chuyện này, ông hồ hởi khoe “từ ngày 2/9/1969 bị bắt cho đến ngày 23/3/1973 được thả, ông chưa bỏ sót một buổi họp chi bộ nào, vẫn sinh hoạt Đảng thường xuyên và tham gia đấu tranh đòi tự do trong tù cùng các đồng chí khác”

            Năm 2003, trong một cơ duyên ông nhận lời mời từ một người bạn đến xem buổi Lễ tri ân người hiến xác Macchabée tại Đại học Y Dược TPHCM, ông đã không ngại ngần viết đơn tự nguyện đăng ký hiến xác cho khoa học, trao đổi với người viết khi nhắc lại vấn đề này ông hào sảng cười nói “Bị địch tùng xẻo ( một hình thức tra tấn cắt da cắt thịt thường được lính Ngụy sử dụng khi ép cung )  trong nhà tù còn không sợ, huống chi giao lại cho các y bác sĩ thực tập cứu người.” Sau đó vài ngày, ông vận động vợ mình là bà Nguyễn Thị Nhung đi đến bệnh viện viết đơn xin hiến xác như ông. Ông tâm sự “Lúc đầu vợ ông cũng hơi băn khoăn, lo lắng, nhưng ông kiên trì giải thích đó là việc nghĩa nên làm, có thể làm vậy tại sao lại không làm, cuối cùng cũng thuyết phục được bà ấy thành công”. Đến năm 2012, ngẫm thấy “thời cơ chính mùi”, ông lại tiếp tục vận động con trai út của mình là anh Lương Quang Lợi cùng con dâu Lê Thị Bé Bảy tự nguyện đi đến bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM viết đơn xin hiến xác.

            Tháng 3/2014, sau cơn bạo bệnh, do tuổi già sức yếu, vợ ông mất. Linh cửu được quàn để tại nhà chỉ vỏn vẹn có 8 tiếng để bà con hàng xóm xung quanh đến viếng, đến cuối ngày thì được các y bác sĩ của bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đến mang đi. Hôm sau, có nhiều người thân ở xa đến viếng muộn thì rất bất ngờ vì đám tang đã kết thúc từ hôm qua và ở trong nhà thì chỉ còn lại có mỗi bàn thờ và di ảnh. Nhiều người thắp nhang xong rồi ngao ngán lắc đầu, thầm thì to nhỏ sau lưng ông rồi ra về. Nhắc đến, ông đượm buồn “Nhiều người hay có tính chê, tính trách mà quên nhìn lại xem mình đã sống đủ đầy tốt đẹp chưa ? Ông và vợ ông quen rồi yêu nhau từ năm 1959 đến mãi 1979 mới cưới, trong 20 năm ấy, trong quãng đời tù đày ấy, một người yêu son sắt thủy chung đợi chờ mình như thế, lẽ nào ông không yêu, hay ông hờ hững mà lo cho không được một cái đám ma tươm tất hay sao ? Nếu ông là một con người như vậy, nếu vợ ông không hiểu ông và kề vai ủng hộ quyết định của ông thì làm gì có chuyện vợ chồng ông tự nguyện đăng ký hiến xác cho y học ? Xác mà để lâu quá thì làm sao bảo quản, duy trì lâu được. Vậy thì việc nghĩa, việc tình, di nguyện của bà và ông liệu có thực hiện được không ? Ông không hứa đi cùng bà vì còn nặng nợ với con, nhưng ông hứa sẽ nằm xuống cạnh bà trong bệnh viện khi tim ông ngừng đập”. Nói rồi, ông lại buồn buồn nhìn những tấm hình chụp vội trong ngày vợ ông mất, nhìn ông nâng niu từng tấm ảnh, tay run run, đôi mắt ông mờ đi vài phần vì sương đọng trên mi mắt, bỗng chốc khóe mắt của tôi cũng cảm thấy cay cay trong khói hương mà tôi vừa thắp cho bà.

 Ông Lương Quang Tỏ bên những tấm hình cuối đời của vợ mình.

Sau vài phút giây lắng đọng, tôi và ông lại rôm rả về những câu chuyện khác mà ông từng trải qua trong những năm tháng hào hùng của dân tộc. Ông cũng khá cởi mở và vui tính, ông bật mí bí quyết sống lâu, sống khỏe là nhờ ông tập thể dục thường xuyên với chiếc xe đạp của mình, mỗi ngày ông dành 2 giờ để đạp xe đi đó đây thăm chiến hữu. Ông cười tươi khoe “chiến tích” mới trong thời bình của mình, là đã vận động được thêm một người bạn chiến đấu cùng vợ bạn viết đơn tự nguyện hiến xác cho y học. Thật lạ, khi được hỏi đến điều ông tâm đắc nhất, ông không kể về những sự tích anh hùng của mình, lại càng không phải là nghĩa cử cao đẹp tự nguyện hiến xác, mà ông trở về đúng nghĩa vị trí của một người cha tự hào về hai đứa con của mình: Một người không giàu nhưng chính trực, một người hơi khù khờ đến thối tiền cũng không biết nhưng không làm hại ai, hàng xóm ai cũng quý. Gia tài của ông chỉ có thế, hai đứa con ngoan của mình.

            Ẩn sâu trong nụ cười hóm hỉnh của tuổi già ấy, tôi chợt nhận ra một nhân cách lớn lao, một thương binh tàn nhưng không phế, một người chiến sĩ Gò Môn anh hùng, hào sảng, một tấm gương sáng của một người đảng viên chân chính, một cuộc đời thầm lặng trải đầy những hy sinh mất mát nhưng vẫn muốn cho đi tất cả những gì mình có thể…cho đến tận cuối đời.

           Và khi viết về những cuộc đời lớn, tôi cảm thấy đó là một điều khiến mình hạnh phúc. Bởi, như lời ông thường hát  “…cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ…”

 

Khánh Duy (báo điện tử)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.165.267
Truy cập hiện tại 5.326