Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tự nguyện cống hiến để được sẻ chia
Ngày cập nhật 24/03/2021

Đối với những cán bộ Đoàn tiêu biểu, sự trưởng thành không đến một cách dễ dàng mà phải có quá trình rèn luyện, bươn chải từ những việc khó khăn nhất, gian khổ nhất.

Bác sĩ Lá Văn Khôi trong một đợt khám tình nguyện cho các bệnh nhi

“Trái tim nóng” của người cán bộ đoàn…

Những câu chuyện được chia sẻ trong cuộc gặp gỡ ngày 22/3 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với những cán bộ đoàn tiêu biểu của cả nước vừa vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2021, một lần nữa là minh chứng cho khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”.

Bác sĩ Lá Văn Khôi, người dân tộc Thái, Bí thư Chi đoàn Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, là một trong những gương mặt tiêu biểu đại diện cho 99 cán bộ đoàn xuất sắc nhận giải thưởng Lý Tự Trọng dự buổi gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ chiều 22/3. Sinh ra và lớn lên tại xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Nghệ An, hơn ai hết, anh Lá Văn Khôi hiểu được nỗi khổ cũng như cảnh đói nghèo, bệnh tật của bà con trên quê hương mình. Năm 2007, anh thi đỗ vào Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, trở thành người đầu tiên của xã thi đậu đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, mặc dù có cơ hội làm việc ở thành phố nhưng anh quyết định trở về quê hương.

“Lúc mới về bệnh viện, tôi đảm nhận luôn vai trò là Phó Bí thư chi đoàn bệnh viện. Thấy bệnh viện quá tải bởi quá đông bệnh nhân và rất nhiều bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa rất lúng túng trong việc tìm đường đi lối lại hoặc những ca bệnh nặng đến khám chữa mà không có người hỗ trợ, mất nhiều thời gian để hoàn thành quy trình khám, tôi cùng với đồng chí Bí thư chi đoàn lúc đó tham mưu và được sự đồng ý của Ban Chấp hành đảng ủy cơ quan đã thành lập ra Câu lạc bộ thanh niên tình nguyện để giúp đỡ người bệnh. Cho đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 100 thành viên, chủ yếu là các y, bác sỹ của bệnh viện”.

“Thể hiện tính xung kích, nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau những ca trực của mình, thay vì được nghỉ ngơi, các y, bác sĩ vẫn tình nguyện ở lại để hỗ trợ các bệnh nhân, hướng dẫn, giải thích, chia sẻ, giúp đỡ họ. Từ năm 2016 đến nay, có thời điểm mỗi ngày chúng tôi giúp đỡ hàng nghìn người bệnh. Những khuôn mặt hài lòng, tin tưởng của người dân chính là sự ghi nhận rất lớn đối với chúng tôi”, bác sĩ Lá Văn Khôi tâm sự.

Được tín nhiệm giao trọng trách Bí thư chi đoàn bệnh viện, bác sĩ Lá Văn Khôi tiếp tục phát triển Câu lạc bộ Ngân hàng Máu sống để phòng trường hợp máu dự trữ không đủ hoặc bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm. Nguồn máu chính là từ các y bác sỹ, các đoàn viên, thanh niên bệnh viện.

“Chúng tôi lập danh sách họ tên, nhóm máu, số điện thoại, luôn sẵn sàng chia sẻ những giọt máu của mình để cấp cứu cho bệnh nhân. Từ khi ra đời, câu lạc bộ của chúng tôi đã cung cấp được hàng trăm đơn vị máu và kịp thời cứu sống rất nhiều bệnh nhân nguy kịch”, bác sĩ Khôi cho biết.

Ngoài ra, bác sĩ Khôi còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ thị xã thái hòa, chủ trì và tham mưu tổ chức rất nhiều chương trình khám cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm, câu lạc bộ tổ chức được ít nhất 4 đợt khám. Đặc biệt, bác sĩ Khôi đã chủ động tham mưu kết nghĩa với đồn biên phòng xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, là xã ở vùng biên gới giáp ranh với Lào với chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cuộc sống rất khó khăn. Hằng năm, câu lạc bộ của bác sĩ Khôi tổ chức một lần khám cấp phát thuốc và trao quà tại đây.

Cùng với đó, bác sĩ Khôi và nhóm của anh còn tổ chức các chương trình cho các bệnh nhi ở bệnh viện, chương trình “Nâng bước em đến trường” và nhận đỡ đầu 3 đến 5 năm cho các em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn.

Chị Đinh Thị Thươn phát biểu tại buổi gặp gỡ cán bộ đoàn các thời kỳ và cán bộ đoàn tiêu biểu nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2021 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 22/3 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chị Đinh Thị Thươn, Bí thư Đoàn huyện đoàn Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định là một trong số ít “phái yếu” nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm nay. Là đoàn viên, thanh niên của một huyện miền núi rất khó khăn của tỉnh Bình Định với đa phần là người dân tộc thiểu sổ, 8 năm hoạt động đoàn, chị cùng với Ban Thường vụ tỉnh đoàn đã triển khai nhiều mô hình liên quan đến việc tuyên truyền, giáo dục, đồng hành, hỗ trợ cùng các em thiếu nhi, phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế-xã hội tại quê hương mình.

“Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng thành công mô hình phát huy vai trò của thanh thiếu niên tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Ba Na, huyện Vĩnh Thạch. Với mô hình này, ngoài việc mời các nghệ nhân, những người am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc đến để hướng dẫn, chỉ dạy cho các em thiếu nhi về điệu cồng chiêng, hát ru, dân ca, múa Xoan hay đan lát, dệt thổ cẩm…, chúng tôi cũng đã thành lập 10 câu lạc bộ Cồng chiêng thanh niên với lực lượng nòng cốt là thanh niên”, chị Thươn cho biết.

Chị Đinh Thị Thươn cho biết, chị cùng các đoàn viên, thanh niên được sự giúp đỡ của tỉnh đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong những năm qua, đã hỗ trợ nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế, chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và đặc biệt là phổ biến khoa học-kỹ thuật cho thanh niên dân tộc thiểu số.

“Đa số thanh niên dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa nhất định nên chúng tôi giúp đỡ để họ có cơ hội để vươn lên, xây dựng quê hương”, chị Thươn tâm sự.

Chị Đinh Thị Thươn trong một hoạt động tình nguyện

Hạnh phúc là được giúp đỡ, sẻ chia

“Đối với người làm công tác đoàn, đặc biệt là trong các hoạt động tình nguyện, việc đi sớm, về khuya là đều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi may mắn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sự động viên từ phía gia đình. Sự quan tâm chia sẻ của các thành viên trong gia đình là động lực để tôi tiếp tục đảm nhận tốt các nhiệm vụ của người cán bộ Đoàn”, chị Thươn cho biết.

Chị Thươn trải lòng, trong quá trình làm thanh niên tình nguyện, bản thân chị học hỏi được rất nhiều điều từ các cô, chú, anh, chị đi trước. Một trong số đó là tinh thần dám dấn thân trước khó khăn, gian khổ với một trái tim “nóng” nhưng trong sáng, không vì mục đích cá nhân, không vụ lợi.

“Sự trưởng thành không đến một cách dễ dàng mà phải có quá trình rèn luyện, bươn chải từ những việc khó khăn nhất, gian khổ nhất”, chị Thươn nói. Chị cho biết, bản thân không xem sự cống hiến của mình là hy sinh mà là sự tự nguyện để được sẻ chia. Đó cũng là cơ hội để chị học hỏi từ người khác và trau dồi kiến thức của mình, không ngừng rèn luyện để hoàn thiện bản thân, tích cực tiếp cận những tiến bộ của thời đại, đem hết tinh thần và nhiệt huyết cống hiến cho quê hương.

“Giải thưởng Lý Tự Trọng đối với tôi là một sự bất ngờ nhưng cũng đầy vinh dự. Tôi rất vui khi những cống hiến của mình được ghi nhận. Trong thời gian tới, bản thân tôi xem đây là một trong những động lực để tiếp tục giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết của thanh niên, tiếp tục học hỏi, nghiên cứu, áp dụng các mô hình hay, cách làm hiệu quả để ngày càng nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên của huyện nhà, chị Đinh Thị Thươn cho biết.

Còn bác sĩ Lá Văn Khôi chia sẻ, anh chỉ nghĩ đơn giản là việc mình đang làm là hướng đến ai, làm cho ai, để từ đó cố gắng hết sức mình.

“Được giúp đỡ những người bệnh, người dân miền núi khó khăn càng thôi thúc chúng tôi làm nhiều hơn. Chúng tôi làm không phải để nhận giấy khen, bằng khen mà làm cho người dân được hưởng. Điều hạnh phúc nhất là có thể đem trí tuệ, tâm huyết của mình để giúp đỡ cho nhiều người hơn nữa, nhất là những người yếu thế trong xã hội”, anh Khôi tâm sự.

Vũ Phong

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.161.770
Truy cập hiện tại 3.265