Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Mô hình nông hộ làm dầu lạc ở Hà Tĩnh
Ngày cập nhật 20/10/2020

Huyện Hương Khê nằm phía Tây Nam của tỉnh Hà Tĩnh, là một thung lũng rộng, bốn bề núi bao bọc với hai dãy núi lớn.

Ở giữa thung lũng ấy có con sông Ngàn Sâu dài 125 km uốn lượn chảy qua. Dọc theo triền sông là những cánh đồng nhỏ được phù sa bồi đắp, thích hợp với việc trồng các loại cây lúa, ngô, lạc… Đặc biệt, lạc là cây trồng đặc sản, phát triển rất tốt, hạt lạc to, tròn, chắc mẩy và hàm lượng tinh dầu cao, chất lượng tốt, ít vùng đất nào trồng lạc có được.

Cách đây gần 5 năm, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Nguyễn Xuân Tuấn (ở thị trấn Hương Khê) nhận thấy lạc sau khi thu hoạch thường được thương lái trong và ngoài tỉnh về thu mua với giá rẻ. Thương người nông dân vất vả một nắng hai sương làm ra thành phẩm nhưng lại phải bán với giá rẻ, lợi nhuận thấp, anh suy nghĩ trăn trở tìm cách để có thể nâng giá trị hạt lạc...

Từ đó anh bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật thâm canh lạc và chế biến dầu từ hạt lạc. Tại huyện Hương Khê thời điểm đó chưa có cơ sở nào sản xuất, chế biến dầu lạc. Anh Tuấn đặt ra câu hỏi tại sao những nơi khác làm được dầu lạc mà mình không làm để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và chế biến ra sản phẩm mới, nâng giá trị hạt lạc.

Hộ anh Tuấn thu gom chế biến dầu lạc.

Hộ anh Tuấn thu gom chế biến dầu lạc.

Nghĩ là làm, anh Tuấn khăn gói lên đường đi tìm hiểu công việc sản xuất dầu lạc. Trước hết anh về quê vợ ở Tùng Ảnh, Đức Thọ (Hà Tĩnh), quê bà nội ở Nam Trung, Nam Đàn (Nghệ An) là những địa phương đã có các sản phẩm dầu lạc truyền thống, để có được những kinh nghiệm quý báu đầu tiên về sản xuất dầu lạc.

Sau đó, anh lại tiếp tục đi tìm hiểu thực tế ở một số tỉnh khác như Quảng Ninh, Thái Bình... để có thêm kỹ thuật. Sau khi đã nắm chắc được cách sản xuất dầu lạc, anh bàn với vợ dùng một số vốn tự có và vay mượn thêm để đầu tư mua máy móc về bắt tay vào sản xuất.

Những mẻ “Dầu lạc Tuấn Cúc” đầu tiên ra đời từ tâm huyết của anh đã cho kết quả tốt, màu dầu lạc vàng tươi bắt mắt, sóng sánh đậm đặc, chất lượng thơm ngon... Những ngày đầu mới sản xuất, anh cả bán, cả biếu, hoặc bán với giá thấp để giới thiệu sản phẩm mới của gia đình. Tất cả sau khi dùng đều cho phản hồi rất tích cực, ai đã dùng một lần đều quay lại mua dầu lạc Tuấn Cúc. Đó chính là những động lực to lớn để anh Tuấn tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng.

Sản phẩm dầu lạc Tuấn Cúc.

Sản phẩm dầu lạc Tuấn Cúc

Tiếng lành đồn xa, dầu lạc của anh ngày càng mở rộng thị trường, bán không chỉ trong huyện mà còn ngoài huyện, vươn ra các tỉnh Nghệ An, Sơn La, Gia Lai, Bình Dương, TPHCM… Đến nay, mỗi năm cơ sở sản xuất dầu lạc Tuấn Cúc cung cấp cho thị trường 20.000 - 25.000 lít dầu lạc, thu về gần 200 triệu đồng. Ngoài ra tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 người dân địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Trong tương lai gần, vợ chồng anh dự định sẽ xây dựng cơ sở nhà 2 tầng với diện tích 150m2 nằm ở mặt đường lớn để vừa sản xuất, vừa có nơi để kinh doanh sản phẩm; đầu tư mua thêm máy móc hiện đại để sản xuất ra sản phẩm dầu chất lượng hơn. Chú trọng đầu tư hoàn thiện công nghệ, khảo sát mở rộng liên doanh liên kết vùng sản xuất, hướng dẫn quy trình trồng lạc VietGAP và thu mua sản phẩm cho người trồng lạc.

Theo Trần Hà (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.181.291
Truy cập hiện tại 10.010