Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày cập nhật 16/05/2022

Ngày 13/05/2022, đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thay mặt Tỉnh ủy đã ký ban hành Nghị quyết 17 - NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cổng TTĐT Tỉnh ủy xin đăng toàn văn Nghị quyết.

 
 
Ảnh minh họa (Ảnh: Theo Báo Nhân dân)

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Những năm qua, công tác phát triển nguồn nhân lực đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nguồn nhân lực có bước phát triển và cơ bản được sử dụng hiệu quả. Trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật của lực lượng lao động ngày càng được nâng lên. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Quy mô nguồn nhân lực chất lượng cao chiếm trên 14% tổng việc làm toàn tỉnh. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực ở các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và quá trình hội nhập. Quy mô nguồn nhân lực qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp. Công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức. Một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của tỉnh còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi. Nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp. Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hoạt động thực tiễn của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc gắn kết giữa đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực chưa thực sự hiệu quả. Nguồn lực dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài của tỉnh còn hạn chế.    

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, dựa trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học - công nghệ hàng đầu ở tầm quốc gia, các nghệ nhân, doanh nhân giỏi trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế; phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, công chức quản lý hành chính chuyên nghiệp... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

* Đến năm 2025

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30 - 35%.

- Tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng là 34%.

- Tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ là 51%.

- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp là 90 - 95%. 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

- 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, trong đó, một số nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN và quốc tế. Phấn đấu trên 80% người học có việc làm sau đào tạo. 100% giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định, trong đó, 40 - 50% có trình độ sau đại học.

- 100% nhân lực y tế được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; đạt từ 15 - 16 bác sĩ trên 1 vạn dân. Đạt từ 12 - 15 cán bộ khoa học và công nghệ trên 1 vạn dân.

- Khoảng 80.000 lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch.

- Phấn đấu đạt 10.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn; trong đó, có ít nhất 10% công chức hành chính các cấp có trình độ sau đại học.

* Đến năm 2030

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50 - 55%.

- Tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng là 37%.

- Tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ là 54%.

- 35% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 55% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

- Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông với các tỉnh trong toàn quốc và mở rộng kết nối với thị trường quốc tế.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phát triển nguồn nhân lực

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu về công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực.

Chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, đề án, chương trình, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý… cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, kiến nghị với cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp giải pháp phát triển nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực chất lượng cao, bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo đảm an sinh xã hội.

2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế, sự phân bố các khu công nghiệp, khu kinh tế và nhu cầu của thị trường lao động.

Các cấp, các ngành, địa phương thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch gắn với xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo. Ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ, khoa học về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình của từng cấp, bậc đào tạo; điều chỉnh mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực theo đúng quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ theo các quy định của Bộ Chính trị (khóa XIII) và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI). Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, bảo đảm tính thực chất, khả thi của đề án quy hoạch cán bộ.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và các kế hoạch của Tỉnh ủy (khóa XV) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân và chất lượng dân số của tỉnh.

Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy (khóa XVI); chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trọng tâm là:

Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ giảng viên Đại học Huế bảo đảm đủ số lượng, đạt chuẩn theo quy định và tiêu chí của Đại học Quốc gia. Xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh và khu vực. Tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao tại các nước tiên tiến. Chú trọng công tác liên kết, đào tạo các chứng chỉ, bằng cấp đạt chuẩn khu vực, quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Sắp xếp lại các trường trung cấp, cao đẳng thuộc tỉnh theo hướng đồng bộ, tinh gọn, cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhân lực có tay nghề cao; hình thành 1 đến 2 trường cao đẳng chất lượng cao của tỉnh. Nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế,... Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, Trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, du lịch mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là tại Học viện Âm nhạc Huế, Trường Du lịch - Đại học Huế, Trường Cao đẳng Du lịch Huế... Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu về văn hoá, du lịch, nghệ thuật, bảo tồn di sản, thể thao. Triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển nguồn nhân lực du lịch sau dịch bệnh Covid-19.

Hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc xây dựng, phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế xứng tầm là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có thương hiệu quốc tế. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu trung tâm y tế chuyên sâu. Tăng cường hình thức đào tạo thực hành và chuyển giao kỹ thuật theo ê kíp. Hình thành trung tâm đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động y tế đến các nước phát triển.

- Xây dựng Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Công nghệ thông tin, Khu Công nghệ thông tin tập trung của tỉnh và một số cơ sở đào tạo ngoài công lập là hạt nhân đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học - công nghệ cho tỉnh và cả nước. Đẩy mạnh thu hút nhân lực công nghệ thông tin cấp cao trong và ngoài nước về làm việc tại tỉnh. Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh cấp vùng và quốc gia.

- Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư. Tăng cường sự phối hợp, liên kết, hợp tác của các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, nhất là Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế với địa phương, doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thường xuyên tổ chức tập huấn, hỗ trợ nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Quan tâm đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số; chuẩn bị bộ máy cho việc hình thành các đô thị tương lai. Xây dựng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ, công chức cho tỉnh.

4. Phát triển nguồn nhân lực quản lý, điều hành doanh nghiệp, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất; nâng cao năng lực quản trị trong khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, điều hành doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế, xây dựng đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo, có trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý và hội nhập quốc tế... Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở đào tạo trong triển khai mô hình đào tạo nhân lực năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội.

Chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và lực lượng lao động có tay nghề tham gia hoạt động sản xuất, tạo ra sản phẩm trong các ngành công nghiệp, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu vực công và khu vực kinh tế tư nhân; thu hút nhân lực tham gia xây dựng nông thôn mới, quản lý hợp tác xã, trang trại. Khuyến khích, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

5. Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao

Nghiên cứu, sớm ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu quả và thông minh.

Hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp, nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, học viện, phân viện, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo, chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.

Thực hiện các chính sách đào tạo, sử dụng và phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học. Có chính sách, chương trình đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ công chức quản lý hành chính chuyên nghiệp. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật, chuẩn bị bộ máy cho việc hình thành các đô thị tương lai.

6. Huy động nguồn lực, tăng cường liên kết, hợp tác về phát triển nguồn nhân lực

Tranh thủ nguồn lực từ Trung ương để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Huy động nguồn vốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nguồn tài trợ, vốn xã hội, hợp tác quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài để ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề bậc cao và nhân lực nghiên cứu khoa học. Tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực phù hợp với chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh; liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo, các trường đại học để tìm kiếm nguồn nhân lực và đào tạo các chuyên ngành tỉnh còn thiếu nhân lực. Tranh thủ nguồn vốn Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

Chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

7. Phát triển thị trường lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường kết nối cung cầu lao động, đẩy mạnh công tác dự báo nhân lực, giải quyết việc làm

Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Thúc đẩy cơ chế liên kết, phối hợp giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để đào tạo theo đơn đặt hàng, cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp. Hình thành Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động; chú trọng dự báo xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Chuẩn bị đủ số lượng và chất lượng nhân lực đón đầu khi các dự án lớn đưa vào hoạt động. Tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động, ngày hội việc làm. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án giải quyết việc làm, các kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu nguồn nhân lực

Làm tốt công tác điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực; hình thành cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó chú trọng dữ liệu cung - cầu lao động. Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông về nguồn nhân lực tỉnh trên nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dịch vụ đô thị thông minh, phát triển nền tảng hệ sinh thái lao động thông minh kết nối các nguồn nhân lực, các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động, các cơ sở đào tạo, các đơn vị cung ứng lao động trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thực hiện chuyển đổi số trong công tác đào tạo và quản lý, ưu tiên đầu tư các phương tiện, thiết bị tiên tiến phục vụ đào tạo, nhất là các hệ thống mô phỏng, xưởng thực hành ảo và thư viện điện tử.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2. Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức nghiên cứu, học tập và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.

3. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh: Ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành chính sách bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

4. Văn phòng Tỉnh ủy, các ban, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giúp Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết này; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tinhuytthue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.160.402
Truy cập hiện tại 2.093