Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019
Ngày cập nhật 17/04/2020

I. Căn cứ pháp lý, mục đích, yêu cầu thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

1.1. Căn cứ pháp lý

  • Căn cứ Điều 34 Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
  • Căn cứ Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
  • Căn cứ Chỉ thị số 15/CT-TTG ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;
  • Căn cứ Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;
  • Căn cứ Quyết định số 1762/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 7 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành phương án thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;
  • Căn cứ Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”.
  • Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 18/07/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;
  • Căn cứ Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2019 của UBND huyện Nam Đông về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn huyện;

- Căn cứ Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 06/11/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông về việc thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;

Ủy ban nhân dân xã Hương Xuân đã tiến hành khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công tác kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn nhằm mục đích, yêu cầu sau:

1.2. Mục đích

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 phải đánh giá chính xác thực trạng tình hình sử dụng đất đai của xã tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, làm cơ sở để đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất đai trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là việc lập, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025.

- Cung cấp số liệu để xây dựng niên giám thống kê các cấp và phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo và các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội.

1.3. Yêu cầu

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 cần phải được đổi mới phương pháp, tổ chức thực hiện để tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình thực hiện, nâng cao chất lượng, khắc phục hạn chế, tồn tại của bản đồ hiện trạng các kỳ kiểm kê đất đai trước đây.

Diện tích cơ cấu loại đất trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 phải phù hợp với số liệu kiểm kê của xã Hương Xuân năm 2019 và ngược lại.

Cơ sở toán học bản đồ nội dung và phương pháp thành lập theo các quy định theo Thông tư 27 và các văn bản khác của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiểm kê và xây dựng bản đồ hiện trạng năm 2019.

II. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

2.1.  Điều kiện tự nhiên

2.1.1. Vị trí địa lý

Hương Xuân là xã mới thành lập trên cơ sở sát nhập địa giới hành chính 2 xã là Hương Giang và Hương Hòa theo Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xã Hương Xuân có tổng diện tích tự nhiên 1.869,88 ha; trong đó: diện tích đất nông nghiệp 1.610,16 ha, chiếm tỷ lệ 86,11%; diện tích đất phi nông nghiệp 232,60 ha, chiếm tỷ lệ 12,44%; đất chưa sử dụng 27,12 ha, chiếm 1,45%. Vị trí địa lý được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp xã Hương Phú và Hương Sơn;

- Phía Tây giáp xã Hương Hữu;

- Phía Đông giáp xã Thượng Lộ và thị trấn Khe Tre;

- Phía Nam giáp xã Thượng Nhật và xã Thượng Nhật;

2.1.2. Địa hình

Xã có tỉnh lộ 14B chạy qua trung tâm xuyên suốt chiều dài của xã, đây là trục giao thông chính nối liền các xã trong huyện với quốc lộ 1A.

Phần phía đông của xã địa hình chủ yếu là gò đồi phân bố tập trung ở chính giữa xã, phía Bắc và phía Tây được bao bọc bởi sông Tả Trạch, là địa hình thung lũng, phía Tây Nam là địa hình đồi núi thấp.

Phần phía tây của xã địa hình tương đối thấp và bằng phẳng so với các xã trong huyện, nên có lợi cho việc canh tác, xản xuất lúa nước và cây công nghiệp ngắn ngày.

2.1.3. Khí hậu

Xã Hương Xuân có điều kiện khí hậu khá phù hợp với sinh trưởng, phát triển nhiều loại vật nuôi cây trồng, đặc biệt là các loại cây lâu năm. Tuy nhiên, cần chú ý mùa mưa trùng với mùa có gió gây ra lũ lụt, ngập úng ở nhiều vùng trong xã.

Xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ bình quân hàng năm 24,40C, thấp hơn nhiệt độ trung bình của tỉnh (24,90C).

Lượng mưa bình quân hàng năm khoảng 4.200 mm (có năm lên đến 5.400 m.m), cao hơn nhiều so với lượng mưa bình quân chung của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế (2.687,4 mm).

Độ ẩm tương đối là 87% bằng mức trung bình của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Số giờ nắng trung bình 1.795 giờ/năm.

Số ngày mưa trung bình từ 180-220 ngày/năm.

2.1.4. Hệ thống thủy văn và nguồn nước

Trên địa bàn xã có nhiều sông suối chảy qua. Đáng kể nhất là sông Tả Trạch nhánh chính của Sông Hương bắt nguồn từ vùng núi trung bình huyện Nam Đông với độ cao tuyệt đối 900m.

2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

Tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày một nâng lên, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được tăng cường; các chương trình trọng điểm, chương trình công tác của UBND xã được triển khai và thực hiện đúng tiến độ.

 2.3. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng

- Giao thông:

Hệ thống giao thông trên địa bàn xã Hương Xuân khá thuận lợi, đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, ngày càng hoàn thiện.

- Giáo dục - đào tạo:

Lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo có nhiều chuyển biến tốt, chất lượng giáo dục ngày càng vững chắc; tỷ lệ huy động học sinh ở các bậc học đạt cao.

- Y tế:

Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng, tăng cường công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, chủ động trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh.

III. Thời điểm xây dựng và hoàn thành việc thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã Hương Xuân được thi công từ tháng 01/2020 hoàn thành cuối tháng 3 năm 2020.

IV. Các nguồn tài liệu thành lập bản đồ hiện sử dụng đất

 Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 xã Hương Xuân được tổng hợp, khái quát biên tập từ các nguồn tài liệu:

- Bản đồ kết quả kiểm kiểm kê đất đai năm 2019.

- Bản đồ Địa giới theo Quyết định 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” để tổng hợp biên vẽ và đối chiếu ranh giới hành chính đang quản lý sử dụng theo bản đồ địa chính có tỷ lệ nhỏ 1/1.000.

- Bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 mới nhất có trên địa bàn để biên tập biên vẽ các yếu tố địa hình và đối chiếu các địa danh và yếu tố thủy hệ, giao thông kinh tế xã hội.

- Bản đồ địa chính các tỷ lệ có trên địa bàn là tài liệu chính để lập bản đồ kết quả kiểm kê; bản đồ hiện trạng sử dụng đất của xã.

V. Phương pháp, công nghệ thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Phương pháp lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp được thực hiện theo qui định tại điều 18 Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất như sau:

a) Cơ sở toán học của bản đồ hiện trạng sử dụng đất quy định như sau:

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất của xã được thành lập trên mặt phẳng chiếu hình, múi chiếu 30 có hệ số điều chỉnh tỷ lệ biến dạng chiều dài ko = 0,9999. Kinh tuyến trục 1070 của tỉnh Thừa Thiên Huế (theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT);

b) Lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất:

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thành lập trên cơ sở biên tập, tổng hợp, khái quát hóa từ bản đồ kết quả điều tra kiểm kê đất;

c) Việc tổng hợp, khái quát hóa nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của từng cấp bảo đảm yêu cầu:

- Mức độ tổng hợp, khái quát hóa nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của từng cấp phải tương ứng với tỷ lệ bản đồ dạng giấy được in ra. Ranh giới khoanh đất và các yếu tố hình tuyến được khái quát hóa, làm trơn;

- Ranh giới các khoanh đất của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã thể hiện ranh giới và ký hiệu các khoanh đất theo chỉ tiêu kiểm kê đất đai. Ranh giới các khoanh đất của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã, huyện, cấp tỉnh thể hiện theo các chỉ tiêu tổng hợp quy định tại Phụ lục số 04 kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT;

- Nhãn khoanh đất trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp chỉ thể hiện mã loại đất tổng hợp.

d) Biên tập bản đồ bằng phần mềm MicroStation V8, TK Desktop của Bộ Tài nguyên và Môi trương:

Khi sử dụng phần mềm để biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng số thì ngoài việc thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c trên, còn phải thực hiện theo các yêu cầu:

- Tệp tin bản đồ phải ở dạng mở, cho phép chỉnh sửa, cập nhật thông tin khi cần thiết và có khả năng chuyển đổi khuôn dạng;

- Các ký hiệu dạng điểm trên bản đồ phải thể hiện bằng các ký hiệu dạng cell được thiết kế sẵn trong các tệp *.cell;

- Các đối tượng dạng đường (là một trong các dạng LineString, Chain, Complex Chain hoặc Polyline, … theo phần mềm biên tập) phải thể hiện liên tục, không đứt đoạn và chỉ được dừng tại các điểm nút giao nhau giữa các đường thể hiện các đối tượng cùng kiểu;

- Những đối tượng dạng vùng (polygon) phải được vẽ ở dạng pattern, shape, complex shape hoặc fill color. Những đối tượng dạng vùng phải là các vùng khép kín;

- Các đối tượng trên bản đồ phải thể hiện đúng lớp, màu sắc, lực nét và các thông số kèm theo như quy định tại bảng phân lớp đối tượng. Đối với các đối tượng tham gia đóng vùng khoanh đất vẽ nửa theo tỷ lệ (như đường giao thông, địa giới …) thì sao lưu nguyên trạng phần tham gia đóng vùng và chuyển về lớp riêng để tham gia đóng vùng. Mỗi khoanh đất phải có một mã loại đất, khi biên tập lược bỏ để in không được xóa mà phải chuyển về lớp riêng để lưu trữ. Sản phẩm phải có ghi chú lý lịch kèm theo;

- Tệp tin bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng số hoàn thành phải ở định dạng file *.dgn của phần mềm Microstation, kèm theo file nguồn ký hiệu và lý lịch bản đồ (nếu có); file phải ở dạng mở, cho phép chỉnh sửa, cập nhật thông tin khi cần thiết và có khả năng chuyển đổi khuôn dạng; fonts chữ, số tiếng Việt, bảng mã Unicode; thư viện các ký hiệu độc lập được tạo sẵn trong thư viện “HT” cho các dãy tỷ lệ có tên tương ứng là ht1-5.cell, ht10-25.cell, ht50-100.cell, ht250-1tr.cell,…; thư viện các ký hiệu hình tuyến theo dãy tỷ lệ có tên tương ứng là ht1-5.rsc, ht10-25.rsc, ht50-100.rsc, ht250-1tr.rsc…; bảng màu có tên là ht.tbl.

5.1. Giải pháp, công nghệ thành lập bản đ hiện trạng sử dụng đất

Quá trình thực hiện biên tập khái quát lấy bỏ theo nguyên tắc:

- Nội dung khoanh đất các loại đất được ưu tiên hạn chế khái quát trừ trường hợp diện tích khoanh đất theo tỷ lệ bản đồ nhỏ hơn 16 mm. Với bản đồ Hiện trạng sử dụng đất của xã với tỷ lệ 1/2.000 thì mức độ khái quát hóa (bỏ những thửa nhỏ hơn 64 m2).

- Loại đất được khái quát tổng hợp sao cho tránh sự chồng đè đối tượng nhưng màu loại đất không thể hiện nhãn loại đất phải giữ lại đúng màu quy định.

- Giao thông thể hiện các đường nội thị trở lên đảm bảo đầy đủ nội dung và mỹ quan của bản đồ tạo điều kiện dể đọc dễ hiểu.

- Thủy hệ địa hình và các yếu tố nội dung khác được tổng hợp lấy bỏ theo quy định.

VI. Đánh giá chất lượng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019

6.1. Mức đầy đủ, chi tiết của bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Căn cứ theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ thể hiện sự phân bố các loại đất theo quy định về chỉ tiêu kiểm kê theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê đất đai, được lập theo đơn vị hành chính các cấp, vùng địa lý tự nhiên - kinh tế và cả nước. Vì vậy bản đồ hiện trạng sử dụng đất của xã Hương Xuân là sự thể hiện và phản ánh đầy đủ chuẩn xác toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng và chưa sử dụng trong địa giới hành chính với các nội dung:

- Toàn bộ các khoanh đất thuộc phạm vi quản lý của xã Hương Xuân theo đường địa giới hành chính trên bản đồ địa giới lập theo Quyết định 513;

- Ranh giới các khoanh đất được biểu thị dạng viền khép kín theo mã đất và màu tô quy định, thể hiện đúng vị trí, hình thể, kích thước của tỷ lệ bản đồ cần thành lập;

- Ranh giới giữa các đơn vị sử dụng đất nằm trên địa bàn xã biểu thị dạng viền khép kín, có ghi chú các đơn vị sử dụng giáp ranh;

- Mạng lưới thuỷ văn, thuỷ lợi đã được tổng quát hoá và thể hiện lên bản đồ theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường;

- Mạng lưới giao thông được thể hiện trên bản đồ theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường. Các kí hiệu về cầu cống, ghi chú thuỷ văn, các địa vật hình tuyến trên bản đồ đầy đủ chính xác theo vị trí thực tế và theo tỷ lệ quy ước;

- Ghi chú địa danh: Tên xã, thành phố, thôn xóm, xứ đồng vv… đều được thể hiện trên bản đồ đúng theo quy định về lớp, kiểu ghi chú, tỷ lệ và cập nhật theo hiện trạng. Kí hiệu bản đồ hiện trạng được thể hiện đúng theo mẫu và tỷ lệ quy định;

- Vị trí các đơn vị hành chính cấp xã được thể hiện đầy đủ trên bản đồ hiện trạng và theo quy trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6.2. Về độ chính xác của bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 xã Hương Xuân được thành lập trên cơ sở biên tập, tổng hợp, khái quát hóa từ bản đồ kết quả kiểm kê năm 2019. Bản đồ được thành lập bằng công nghệ số kết hợp với hồ sơ tài liệu cùng các loại bản đồ làm cơ sở pháp lý ban đầu cũng như quá trình điều tra đối soát chặt chẽ, kết hợp với việc bám sát các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy phạm hiện hành nên hình thức bản đồ được trình bày một cách khoa học, các loại đất được phân vùng và trải màu lên biểu tượng theo đúng quy trình quy phạm do Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành.

Bản đồ được trình bày đúng quy định về màu sắc, ghi chú các loại đất và kí hiệu các đối tượng quan trọng rõ ràng, đúng quy định. Đầy đủ các nội dung về cơ sở pháp lý và thể hiện được cơ cấu đất đai.

Nội dung của khoanh đất được thể hiện đầy đủ các yếu tố như mục đích sử dụng, đối tượng sử dụng, thứ tự khoanh đất và diện tích khoanh đất.

Tài liệu để xây dựng bộ bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 gồm các nguồn bản đồ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.  

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất đảm bảo tính hợp lý theo số liệu kiểm kê các cấp năm 2019 đây là tính ưu việt có độ chính xác tin cậy so với các kỳ kiểm kê trước.

 Có đầy đủ cơ sở pháp lý độ tin cậy đánh giá phân bố quỹ đất trên địa bàn; đảm bảo làm tài liệu nguồn cho việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và tổng hợp các số liệu trong các chu kỳ sử dụng đất sắp tới.

VII. Kết luận, kiến nghị, biện pháp khắc phục hạn chế, tồn tại

7.1. Kết luận

 Bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã Hương Xuân được xây dựng theo các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quá trình thi công đã bám theo Phương án kiểm kê của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các văn bản hướng dẫn, qui phạm hiện hành…, sửa chữa triệt để các sai sót. Chất lượng, giá trị sử dụng hơn hẳn các kỳ kiểm kê trước.

7.2. Kiến nghị, biện pháp khắc phục hạn chế, tồn tại

- Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm hơn nữa công tác xây dựng phần mềm kiểm kê đất đai (TK desktop và TK online), hoàn thiện một cách khoa học sát với thực tiển để khắc phục các lỗi của kỳ này tránh trình trạng vừa làm vừa sửa chữa, nâng cấp phần mềm.

- Để khắc phục tồn tại hạn chế tăng cường đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ địa chính ở cở sở, đầu tư trang thiết bị về công nghệ thông tin để cấp xã làm chủ được các công việc kiểm kê đất đai ở cấp cơ sở./.

 

Diệp Hải Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.163.055
Truy cập hiện tại 4.155