Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
9 nhiệm vụ trọng tâm truyền thông lĩnh vực 'tam nông'
Ngày cập nhật 02/02/2023
Chiều 31/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị triển khai công tác truyền thông ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023 tại Báo Nông nghiệp Việt Nam.Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết của Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của Việt Nam đạt hơn 53 tỷ USD. Tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp đều tăng trưởng cao. Đến hết năm 2022, đã có 73% tổng số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới… Empty Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị triển khai công tác truyền thông ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023 tại Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, có được kết quả đó là nhờ sự cố gắng nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và đội ngũ doanh nghiệp, trong đó có cả các cơ quan báo chí, truyền thông. Thông qua đó, nông nghiệp ngày càng đạt hiệu quả bền vững nhờ chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển từ nền kinh tế nâu sang xanh. Đặc biệt, chất lượng nông sản ngày càng tăng, quy mô sản xuất ngày càng lớn, sức cạnh tranh ngày càng cao. Nông sản Việt đã được xuất khẩu sang hơn 200 thị trường. "Ra biển khắc phải biết bơi. Và chúng ta đã thấy rõ điều này. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… ngày càng tăng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ. Khi chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp từ nâu sang xanh, chúng ta giảm mạnh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp. “Khi chúng tôi thẩm tra dự thảo Luật Bảo vệ thực vật (năm 2013), Việt Nam nhập khẩu 120.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, năm 2022, chúng ta chỉ nhập 60.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, đứng thứ 80 trên thế giới. Trung bình 1ha canh tác nông nghiệp ở Việt Nam chỉ sử dụng bình quân khoảng 1,7kg thuốc bảo vệ thực vật”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói. Còn về an toàn thực phẩm, năm 2020 có tới 31% số lô hàng xuất khẩu bị trả lại nhưng đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn hơn 8%. Điều này cho thấy nông sản của Việt Nam ít ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất độc hại. Thậm chí, Việt Nam đã định hướng phát triển nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, trong đó tập trung các giải pháp trong canh tác lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung đẩy mạnh truyền thông trong năm 2023, gồm: Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là 4 quy hoạch quốc gia và các Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn; thủy sản; lâm nghiệp, chăn nuôi; tuyên truyền về định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hai là, tạo môi trường thông thoáng cho tất cả các cực tăng trưởng, trong đó “Nhà nước tạo sàn diễn, khoa học đi tiên phong, doanh nghiệp đua tài, nông dân hưởng lợi”. Ba là, đẩy mạnh, quyết liệt, khôn khéo trong xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường và tháo gỡ các rào cản thương mại. Bốn là, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy khoa học công nghệ, bởi khoa học công nghệ chiếm 30 - 35% giá trị gia tăng sản phẩm. Cần xác định vị thế của quốc gia, vị thế của các ngành, lĩnh vực chính là vị thế của khoa học công nghệ. Do đó, cần kết hợp các viện, trường, cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị liên hoàn. Năm là, cần biểu dương, khuyến khích các hình thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã. Sáu là, tuyên truyền, cổ động cả hệ thống chính trị và người dân triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bảy là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng ĐBSCL, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tám là, truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chín là, đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm nông sản. Bởi hiện nay, đa phần nông sản của Việt Nam vẫn xuất bằng bao trong khi các quốc gia phát triển trên thế giới chủ yếu xuất khẩu bằng túi. Empty Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về kết quả công tác truyền thông năm 2022 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023. Ảnh: Tùng Đinh. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Năm 2022, báo đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, địa phương để tổ chức thực hiện tốt 19 hoạt động truyền thông sự kiện về nông nghiệp, nông thôn, không chỉ gia tăng được hiệu quả tuyên truyền mà còn góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của Bộ, ngành, địa phương. Điển hình là 9 diễn đàn kết nối nông sản; 1 diễn đàn kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến; phối hợp tổ chức Lễ hội Quýt hồng Lai Vung lần thứ I; 15 bộ phim trong đó điểm nhấn là chuỗi phóng sự truyền hình đặc biệt "Chuyện hạ nguồn Mekong"... Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn đi tiên phong trong thực hiện công tác truyền thông về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. “Ngày nào tôi cũng đọc Báo Nhân dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam. Bởi muốn nắm bắt tình hình thực tiễn và ra quyết định chỉ đạo, điều hành nhất định phải có đủ thông tin”, Thứ trưởng chia sẻ.
https://nongnghiep.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.160.395
Truy cập hiện tại 2.086