Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Quan tâm cuộc sống người nghèo, đối tượng yếu thế
Ngày cập nhật 06/04/2020

Mới đây, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ họp về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta trước mắt phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu, do đó cần quyết định gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Những quyết sách kịp thời, phù hợp sẽ làm ấm lòng biết bao gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Theo dự kiến, hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng… Cùng trong thời gian này hỗ trợ một triệu đồng/hộ/tháng cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia (trong danh sách đến ngày 31-12-2019); hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng với các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; hỗ trợ một triệu đồng/người/tháng cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; hỗ trợ một triệu đồng/hộ/tháng cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh… Bên cạnh đó, người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong ba tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động…

Việc hỗ trợ cần thực hiện trên các nguyên tắc chủ yếu: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 gây ra; Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; đồng thời việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, phát sinh tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại. Có thể thấy, gói hỗ trợ an sinh xã hội lần này là bước đi thật sự cần thiết, mang tính thời sự cao. Qua đây thể hiện rõ thông điệp lớn của Đảng và Nhà nước ta vì một xã hội đoàn kết, tương thân, tương ái, vì mục tiêu cao cả “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, cần sớm có những cách làm thiết thực, hiệu quả, rút ngắn thời gian, thủ tục hưởng trợ cấp để người lao động, gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp nhận nhanh nhất các khoản hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương để chủ động vượt khó, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ về tài chính, vấn đề quan trọng khác cần được quan tâm là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức tự giác phòng tránh dịch bệnh đối với những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật. Do đó, các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở mỗi khu dân cư, tổ dân phố cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phù hợp để từng người dân hiểu và tự giác thực hiện, tránh tâm lý hoang mang trong cộng đồng. Tích cực vận động cán bộ, hội viên ở các tổ chức đoàn thể nêu cao tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, khuyến khích lan tỏa hơn nữa những sáng kiến hay, cách làm tốt ngay tại cơ sở như may khẩu trang, hỗ trợ lương thực, hướng dẫn cách khử trùng, kỹ năng rửa tay bằng xà-phòng,... Mỗi cá nhân, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, cần phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân, cũng như của cộng đồng, chung tay cùng hệ thống chính trị quyết tâm chiến thắng đại dịch, sớm ổn định cuộc sống.

 

TIN MINH CHÂU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.223.640
Truy cập hiện tại 14.073