Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Miền Trung rục rịch làm nông nghiệp công nghệ cao
Ngày cập nhật 18/05/2020

Trong hai năm qua, các địa phương ở miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam đã có những bước khởi đầu thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Một vườn rau ở Hội An, tỉnh Quảng Nam sử dụng hệ thống công nghệ tưới tiêu tự động. Ảnh: Nhân Tâm

Đầu năm 2017, ông Trương Ngọc Sơn bắt đầu trồng 1 héc ta rau củ quả theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao với vốn đầu tư 2,8 tỉ đồng tại thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Chính quyền thành phố hỗ trợ một nửa vốn đầu tư thông qua việc lắp đặt hệ thống nhà lồng, tưới nước tự động…bên cạnh việc giúp kết nối ông Sơn với những doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cũng như các chuyên gia trong nông nghiệp công nghệ cao. Ông Sơn cho biết, sau gần hai năm, ông đã bắt đầu quen dần với việc trồng rau củ quả theo mô hình mới này, không tốn nhiều công sức chăm sóc nhờ ứng dụng một số kỹ thuật, dụng cụ bán tự động và tự động.

“Hiện nay mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 50-60 kg rau bên cạnh lấy cà chua, bí đỏ theo mùa và các sản phẩm này được tiêu thụ chủ yếu tại các cửa hàng bán các mặt hàng nông nghiệp hữu cơ”, ông Sơn cho biết. Ông nói thêm rằng tuy có giá bán cao hơn gấp rưỡi so với các loại rau củ quả thông thường nhưng đây là những sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng và rau thành phẩm có chất lượng cao, không phải bỏ đi nhiều như khi mua rau ở chợ.

Câu chuyện của Đà Nẵng

Đà Nẵng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

UBND thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau củ quả sạch ứng dụng công nghệ cao cho Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng với kinh phí 10 tỉ đồng, theo thông tin tại Đại hội Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ năm 2018 – 2023 diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, cho biết việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao bước đầu giúp hình thành khá nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân thành phố. 

Hằng năm, thành phố thu lợi nhiều từ sản xuất lúa hữu cơ, rau sạch công nghệ cao đạt chuẩn VietGap, trồng hoa lan. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chú trọng các tiêu chí về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vườn rau củ quả của ông Sơn là một trong hai mô hình thí điểm chuyển giao nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hòa Vang. Vườn rau còn lại nằm tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh của ông Nguyễn Mạnh Thắng. Ông Thắng đang trồng nhiều loại rau củ quả và mỗi ngày vườn rau này cung ứng cho các cửa hàng tại thành phố Đà Nẵng khoảng 200 kg.

“Khi trồng rau theo mô hình mới này thì chất lượng của cây không bị ảnh hưởng bởi khí hậu cũng như đất trong khi thu hoạch thì đạt 95%. Nếu làm theo phương pháp truyền thống thì chỉ đạt 70% trong khi thời gian lại dài gấp đôi”, ông Thắng cho biết.

Hai vườn rau của ông Sơn và ông Thắng nằm trong quy hoạch bảy vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Hòa Vang đã được thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Các dự án khác bao gồm mô hình trồng thủy canh tại nhà kính Hòa Ninh (1.000 m2), hỗ trợ giàn che, hệ thống tưới tiết kiệm tại các vùng Ninh An (Hòa Nhơn), Phú Sơn Nam (Hòa Khương) và Túy Loan (Hòa Phong).

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang tiếp tục xúc tiến kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch với nhiều chính sách ưu đãi hình thành vùng chuyên canh rau, nông sản sạch… Đặc biệt, doanh nghiệp khi đầu tư sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu); hỗ trợ xây dựng, trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 50%; hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư trong ba năm với mức vay tối đa 10 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất...

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng, cho biết bên cạnh các vùng nói trên, thành phố sẽ sớm thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 117 héc ta, tại huyện Hòa Vang. Sở dĩ Hòa Vang được chọn vì là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất thành phố với gần 65 héc ta, chiếm 90% diện tích. Trên địa bàn huyện đã hình thành được 21 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có chín mô hình trồng hoa, năm mô hình sản xuất rau, ba mô hình chăn nuôi, ba mô hình trồng cây ăn quả và một mô hình trồng nấm. Hằng năm, ngành nông nghiệp huyện cung cấp cho thị trường gần 20.000 tấn rau, 1.200 tấn thủy sản và gần 1 triệu con gia cầm các loại.

Một nhóm người nước ngoài tìm hiểu nông nghiệp công nghệ cao tại một trang trại rau sạch ở Đà Nẵng.

Tiềm năng của miền Trung

Ông Tám cho biết quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên còn lớn, có nhiều cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Vì vậy đối với khu vực này thì hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngoài việc tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn còn góp phần giúp nông dân cải thiện thu nhập.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, tỉnh Tây Nguyên này có gần 52.000 héc ta diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm gần 20% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà Blao, Chuối LaBa,… Diện tích dành cho hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên do nhu cầu của người tiêu dùng cho các loại sản phẩm này còn rất lớn.

Chia sẻ với TBVTSG qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, cho biết khi nhu cầu về việc tự bảo vệ sức khỏe của cộng đồng xã hội ngày càng cao trước tình trạng thực phẩm ô nhiễm, không rõ nguồn gốc và xuất xứ có mặt nhiều trên thị trường hiện nay thì xu hướng phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp cho người tiêu dùng yên tâm hơn với sản phẩm họ sử dụng. Nhiều nông dân đã biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất, điều khiển máy móc tự động, làm việc trong các nhà lưới, nhà kính, hệ thống đèn chiếu sáng cùng với việc tưới phun tự động.

Ông Sơn nói thêm hầu hết các mô hình nông nghiệp thông minh ở Lâm Đồng đều sử dụng các hệ thống, các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối dựa trên Internet, điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất. Ngoài ra, một số nơi đã sử dụng công nghệ đèn LED một cách đồng bộ trong canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của cây trồng; canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh nhằm cách ly môi trường tự nhiên; xây dựng phòng thí nghiệm và sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống; các thiết bị được kết nối Internet... Được biết, Lâm đồng sẽ tiếp tục đầu tư cho các vùng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với tổng kinh phí 90 tỉ đồng.

Du lịch kết hợp tham quan vùng nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, Lâm Đồng đang phát triển các chuyến du lịch tham quan các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đó là các tuyến du lịch phục vụ hoạt động tham quan, học tập và nghiên cứu với các hoạt động nghe thuyết minh chi tiết về các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tham quan các quy trình từ cấy mô đến thu hoạch; tham quan, học hỏi về phương thức canh tác hữu cơ, cách thức chế biến và sử dụng các sản phẩm hữu cơ... Đối với tuyến du lịch trải nghiệm, giải trí, du khách được tham gia các quy trình trồng, bón phân, chăm sóc, thu hoạch… Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức hương vị của các loại rau, củ, quả tươi tại vườn, các lớp dạy chế biến món ăn từ nông sản.

Đến với nhà vườn Đà Lạt và Lâm Đồng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn rau, hoa, trà, cà phê… ngoài những du khách còn có nông dân, nhà nghiên cứu nông nghiệp, nhà sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sinh viên chuyên ngành nông nghiệp trong nước – những người muốn tìm hiểu về mô hình canh tác nông nghiệp của người dân địa phương.

Trong khi đó, ông Lê Muôn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết 2018 là năm bản lề để địa phương miền Trung này triển khai kế hoạch đầu tư cho loại hình nông nghiệp công nghệ cao và sẽ học hỏi những mô hình đã có ở tỉnh Lâm Đồng. Ông chia sẻ rằng Quảng Nam có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

“Trên thực tế, tỉnh đang sản xuất hạt giống lúa lai F1 trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp và chuyên gia cũng là một dạng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”, ông nói và cho biết thêm hiện nay đang có phong trào khởi nghiệp ở một số nơi trồng rau củ qua ứng dụng công nghệ cao với quy mô nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, việc phát triển với quy mô sản xuất nhỏ lẻ và theo thói quen, tập quán canh tác tại các tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên cũng là điều mà ông Tám từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng lo ngại. Ông cho rằng nếu không có những chính sách mang tính bền vững từ Nhà nước thì đây sẽ là một trong những rào cản hạn chế xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Như hai nông dân tại huyện Hòa Vang chia sẻ, trong những năm tới họ cần Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để có thể tiếp tục đầu tư thêm các thiết bị, học hỏi các kỹ thuật, đặc biệt trong công tác chống sâu bệnh cho cây bên cạnh việc phát triển hệ thống bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

“Một kg bí có ứng dụng công nghệ cao có giá là 15.000 đồng tại vườn và được bán với giá từ 25.000-30.000 đồng khi được đưa vào các cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ. Giá này cao hơn rất nhiều so với ngoài chợ hay siêu thị”, ông Trương Ngọc Sơn phân tích.

 

Vì vậy, nếu không có sự phát triển đồng bộ ở các cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thì người nông dân sẽ khó mà tiếp tục theo đuổi trồng rau củ quả theo mô hình này.

Nhân Tâm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.214.627
Truy cập hiện tại 8.336