Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 2/11
Ngày cập nhật 03/11/2021

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 2/11.

Quy định về bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2021/NĐ-CP ngày 2/11/2021 về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang. Nghị định này quy định về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài bay trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang phải bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối; bảo đảm tiêu chuẩn chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định; bảo đảm bí mật kế hoạch đảm bảo an ninh cho đối tượng chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định của pháp luật; bảo đảm nghi lễ đón, tiễn chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định.

Đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam gồm: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đối tượng được quy định tại Điều 8 Nghị định này (các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài chở người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm cá nhân tại Việt Nam).

Cơ quan có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Doanh nghiệp nhận đặt hàng thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là các hãng hàng không của Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đơn vị được giao thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1831/QĐ-TTg ngày 1/11/2021 ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Về hạ tầng giao thông có các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài như: Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 4; cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; đường sắt Trảng Bom-Hòa Hưng, tuyến đường sắt Thống Nhất; cảng biển nước sâu (cảng Trần Đề)...

Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài đối với các dự án: Xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp phía bắc huyện Bến Lức, xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ, xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh...

Đối với hạ tầng giáo dục và y tế có các dự án: Xây dựng bệnh viện đa khoa 1.000 giường thuộc Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; xây dựng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang và Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên;...

Trong Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, ngoài tên dự án còn có mục tiêu dự án, địa điểm thực hiện, quy mô/thông số kỹ thuật, tổng vốn đầu tư, hình thức đầu tư, địa chỉ liên hệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định; chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Danh mục; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc Danh mục; rà soát, kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ; kinh phí của các hoạt động thực hiện theo quy định.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế trong nước

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 295/TB-VPCP ngày 2/11/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế trong nước.

Chiều ngày 29/10/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế trong nước. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ; Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong nước.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến phát biểu các doanh nghiệp, các Bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau: Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị nghiên cứu đều đã nỗ lực thực hiện nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế trong nước. Nhiều loại sản phẩm đã và đang được thử nghiệm lâm sàng; nhiều loại thuốc, vật tư, thiết bị trong nước chưa sản xuất được đã được các doanh nghiệp nhập khẩu, tài trợ phục vụ công tác chống dịch. Việc cấp phép dựa vào nhu cầu, đề xuất cơ chế bảo đảm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.   

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan: Rà soát, thúc đẩy tiến độ thực hiện việc xem xét, cấp phép theo quy định đối với hồ sơ liên quan đến vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục và tiến độ đáp ứng yêu cầu thực tế phòng chống dịch.

Đồng thời xác định nhu cầu về vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác chống dịch của cả trung ương và địa phương; lập Kế hoạch đầu tư, mua sắm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05/11/2021.

Phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1844/QĐ-TTg ngày 2/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 27 thủ tục hành chính thuộc 6 ngành nghề kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, cắt giảm, đơn giản hóa 3 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; 6 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức không phải là tổ chức tín dụng; 4 thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh vàng; 4 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động dịch vụ tài chính khác (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội); 4 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại và 6 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ để thực hiện Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1829/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Cụ thể, về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; khối lượng luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỷ khách.km.

Về kết cấu hạ tầng: Cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy; từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Quyết định nêu rõ, quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy gồm: 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển), 4 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) và 4 hành lang khu vực miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.

Quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km) gồm: miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, gồm: miền Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 199 triệu tấn; miền Trung có 8 cụm cảng, tổng công suất khoảng 9 triệu tấn và miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn.

Quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách, gồm: Miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách; miền Trung có 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách và miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.

Mỗi cụm cảng hàng hoá, hành khách gồm các cảng thủy nội địa chính và cảng thủy nội địa vệ tinh. Cỡ tàu quy hoạch cảng thủy nội địa là cỡ tàu đồng bộ theo cấp kỹ thuật quy hoạch tuyến luồng đường thủy, trong quá trình triển khai, tùy theo điều kiện về hạ tầng luồng, thông số phương tiện, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định cỡ tàu khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Cảng chuyên dùng được quy hoạch phát triển theo nhu cầu vận tải phục vụ trực tiếp và phù hợp với quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đóng mới sửa chữa phương tiện, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Về định hướng phát triển đường thủy nội địa địa phương, quy hoạch đường thủy nội địa địa phương thực hiện theo phương án phát triển mạng lưới giao thông tỉnh trong quy hoạch tỉnh được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch.

Quy hoạch cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy địa phương và cảng hành khách, cảng chuyên dùng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy quốc gia trong quy hoạch tỉnh được phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển không gian tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch này. Hạn chế phát triển và có lộ trình di dời bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa tại các khu vực nội đô ảnh hưởng lớn đến giao thông đô thị. Từng bước nâng cấp các bến thủy nội địa có đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch lên thành cảng thủy nội địa. Ưu tiên quy hoạch phát triển bến thủy nội địa để tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên phục vụ vận tải thủy tại các vùng sâu, vùng xa.

Thống nhất việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 8024/VPCP-CN ngày 2/11/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu ý kiến của các cơ quan liên quan, phối hợp với Bộ GTVT và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất về việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP và nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Theo Chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.175.051
Truy cập hiện tại 6.075